Trong tuần thứ 19, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn TP. HCM tăng 1/4 so với trung bình 4 tuần trước.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ ngày 6/5 đến ngày 12/5, TP.HCM ghi nhận 442 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.
Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 18 là 3.858 ca. Các khu vực có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Nhà Bè, Quận 6 và huyện Bình Chánh.
Bệnh tay chân miệng là một bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm và thường gia tăng trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.
Khi mắc bệnh tay chân miệng, trẻ có các dấu hiệu đau họng, sốt nhẹ, quấy khóc, biếng ăn, tiêu chảy, ... đặc biệt là nổi bóng nước.
Nếu bóng nước ở trong miệng thì vỡ ra thành vết loét, còn bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông thì thường không bị vỡ ra và sau đó sẽ khô dần.
Diễn tiến bệnh thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, có thể nhiều hơn 10 ngày. Sau đó thì bóng nước có thể tự khô, tự ổn định và trẻ tự khỏi.
Lứa tuổi nào cũng có thể mắc tay chân miệng, thường gặp nhất là dưới 5 tuổi, đặc biệt là 3 tuổi, trẻ càng nhỏ bệnh càng dễ trở nặng. Khoảng 90-95% trẻ mắc tay chân miệng sẽ được điều trị ngoại trú.
Khi trẻ mắc tay chân miệng và bị loét miệng quá nhiều thì phụ huynh cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ. Trong trường hợp trẻ đau hoặc sốt, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng thuốc giảm đau.
Nếu trẻ dị ứng với thuốc hạ sốt thì có thể chườm mát cho cơ thể bé bằng nước ấm, lau người và chườm khăn tại các vị trí có các mạch máu lớn đi qua như hai bên cổ, nách, bẹn, trán, ngực, cho trẻ uống nhiều nước, nới rộng quần áo để giúp trẻ hạ sốt.
Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa và là bệnh lây qua đường tiêu hóa nên điều quan trọng nhất vẫn là giữ vệ sinh.
Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.