Trong các đợt rà soát, kiểm tra thời gian qua, TP.HCM đã đưa gần 2.400 người lang thang, xin ăn vào cơ sở trợ giúp xã hội.
Đây là báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM tại buổi sơ kết 1 năm thực hiện công tác tập trung người lang thang, xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp trên địa bàn TP.HCM diễn ra vào ngày 02/8 vừa qua.
Trình bày về nội dung này, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM Nguyễn Tăng Minh cho biết, trong năm qua các cơ quan liên quan đã phối hợp với Tổ công tác tại xã, phường, thị trấn xác minh và giải quyết 4.356 người lang thang, xin ăn.
Trong đó, đưa về gia đình, địa phương quản lý 570 người xác định rõ nơi cư trú, lập hồ sơ đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội 1.202 người, trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần 66 người, đồng thời phối hợp với y tế điều trị 4 trường hợp nhiễm HIV.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM có 16 cơ sở trợ giúp xã hội với các hoạt động tiếp nhận, sàng lọc, tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi cũng như chăm sóc và nuôi dưỡng người lang thang, xin ăn.
Đặc biệt trong lĩnh vực y tế, điều trị, Sở Y tế TP.HCM cũng tiếp nhận và điều trị cho người lang thang, xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định.
Chỉ đạo các trung tâm cấp cứu, bệnh viện, cơ sở y tế tiếp nhận, điều trị cho người có sức khỏe yếu, suy kiệt, nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm do các đơn vị, tổ công tác chuyển đến.
Trong 2.353 người được Tổ công tác lập hồ sơ đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, ngoài trẻ em, người già, người khuyết tật, tâm thần hoặc các trường hợp cần trợ giúp khẩn cấp khác, có tới 45% thuộc độ tuổi lao động (16 - 60 tuổi).
Ông Nguyễn Tăng Minh cũng nhận định, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này do nhiều người chưa có công ăn việc làm ổn định hoặc lâm vào hoàn cảnh khó khăn tại nhiều địa phương đã di cư vào TP.HCM xin ăn kiếm sống qua ngày.
Điều này tạo áp lực cho TP.HCM trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn, đặc biệt dịp lễ, Tết. Bên cạnh đó, số người có hành vi quá khích, nghi vấn tâm thần gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội có xu hướng tăng.