Tội phạm giết người trẻ hóa: Cần giải pháp căn cơ

T.A t/h | 22/12/2020 11:53

BVCL - Xu hướng trẻ hoá tội phạm giết người cho thấy đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ rất đáng báo động, khi theo thống kê có tới 60% đối tượng phạm tội giết người ở độ tuổi dưới 30 (trước đây chỉ chiếm khoảng 35%).

Tại Công văn 1676/TTg-NC ngày 30/11 vừa qua về tăng cường biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp về xã hội, văn hóa, giáo dục...  Cụ thể, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và phòng, chống bạo lực gia đình.

Phân tích các nguyên nhân của tình hình tội phạm giết người thời gian qua, Công văn nêu rõ, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do lối sống, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, dễ bị kích động dẫn đến các hành vi bạo lực, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên với lối sống thực dụng, ích kỷ, coi thường pháp luật; giá trị nền tảng gia đình, dòng họ, hương ước chưa được coi trọng; các thông tin tiêu cực, văn hóa phẩm đồi trụy và trào lưu sai lệch, cổ súy hành vi côn đồ, bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các quy định về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình... chưa sâu rộng; công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa triệt để; các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở một số địa phương còn mang tính hình thức; công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy còn nhiều bất cập, hạn chế...

cau-thanh-toi-pham.jpg
Ảnh minh họa

Từng phát biểu trước Quốc hội về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Kạn lo ngại nhiều truyền thống đạo nghĩa tốt đẹp của gia đình Việt Nam, như kính trên nhường dưới, tuân thủ tôn ti trật tự, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, đang có chiều hướng mờ nhạt nhiều đi trong một bộ phận người.

Đáng lưu ý, nhiều vụ việc hành hung, người chứng kiến không những không tìm cách trợ giúp mà còn vô cảm, thản nhiên giơ điện thoại quay clip khiến đối tượng càng bị kích động mạnh. Nhiều đối tượng dù tuổi còn rất trẻ nhưng thực hiện hành vi giết người rất bình tĩnh, lạnh lùng, không hề ghê rợn. 

“Việc phòng ngừa tội phạm giết người không thể chỉ giao cho một mình các cơ quan tư pháp mà phải là sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đoàn thể, trong đó phải có những giải pháp căn cơ về giáo dục, từ văn hóa mới có thể tạo ra sự chuyển biến của tình hình một cách tích cực và ổn định”, bà Nguyễn Thị Thủy cho hay.

Tội ác bắt nguồn từ sự lệch chuẩn

Từng thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về thanh thiếu niên và về tội phạm vị thành niên, phỏng vấn, tìm hiểu hàng nghìn người phạm tội, GS.TS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên) lưu ý, cách đây 10-15 năm, khi phạm tội, những kẻ gây tội ác luôn cảm thấy rất run sợ, ăn năn, hối lỗi, lương tâm bị cắn rứt, ăn không ngon, ngủ không yên.

Nhưng gần đây, nhiều kẻ gây án không nhận thấy mình có tội và do vậy cũng không biết ăn năn, hối hận. Họ không thực sự thấy việc làm tổn thương người khác, vi phạm pháp luật là xấu xa, thậm chí có kẻ còn coi mình như là những “chính nhân quân tử” sẵn sàng vung đao, vung búa vào người khác.

“Ngày nay người ta đang quy tội cho kinh tế thị trường rất nhiều, nhưng sự quy tội đó vẫn là chưa đủ”, GS.TS Đặng Cảnh Khanh trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ.

Theo GS.TS Đặng Cảnh Khanh, chúng ta vẫn chưa lường hết được những cái được gọi là “mặt trái của nền kinh tế thị trường” cùng với những điều mà nó đã tác động đến văn hóa, giáo dục và những sự sai lệch về chuẩn mực và giá trị, tạo ra lối sống thực dụng, ích kỷ, thờ ơ trong một bộ phận người trẻ hiện nay.

gs.-dang-canh-khanh.jpg
GS.TS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển

Phân tích rõ hơn, GS.TS Đặng Cảnh Khanh cho rằng kinh tế thị trường luôn gắn liền tới các chuẩn mực của lợi nhuận, của chủ nghĩa cá nhân, đúng như Karl Marx đã từng nói là “dìm tất cả các mối quan hệ xã hội vào lớp băng lạnh giá của sự tính toán vị kỷ”. Bởi vậy, chúng ta phải luôn cảnh giác với nó, phải có các biện pháp hiệu quả để phòng tránh.

Mặt khác, sự chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp thường có nhịp sống chậm sang một xã hội công nghiệp luôn gấp gáp, căng thẳng đã khiến cho con người phải chịu quá nhiều áp lực. Những người không chịu nổi áp lực này dễ rơi vào trầm cảm hoặc không kiểm soát nổi hành vi của mình. Họ dễ nóng giận, tức tối với những gì không vừa ý mình và chọn bạo lực để xử lý nhanh các tình huống.

Ngày nay, thanh thiếu niên cũng đang phải sống trong trong một xã hội luôn căng thẳng với việc học hành, thi cử, tìm kiếm việc làm, thu nhập... cùng vô vàn những mối quan hệ phức tạp. Lúc rảnh rỗi và giải trí thì lại tiếp xúc với những hình ảnh bạo lực, từ phim ảnh, sách báo đến trò chơi điện tử.

Chúng ta cần làm gì?

GS.TS Đặng Cảnh Khanh cho rằng cần có 3 tẩng giải pháp để hạn chế, kiểm soát cái ác. Trước mắt, đó là xử lý nghiêm các hành vi phạm tội theo các quy định của luật pháp, thậm chí nâng khung hình phạt với một số hành vi phạm tội để mang tính răn đe nhiều hơn.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu quả giáo dục về những chuẩn mực xã hội, đạo đức, văn hóa và truyền thống, phải gắn việc phòng chống bạo lực gia đình với những hoạt động có hiệu quả của các thiết chế xã hội như gia đình, nhà trường, cộng đồng, đoàn thể.

Thứ ba, xây dựng một cộng đồng xã hội có nền tảng văn hóa cao, kinh tế phát triển, con người có tri thức và hiểu biết để biết sống với nhau một cách tốt đẹp hơn.

Theo GS.TS Đặng Cảnh Khanh, để thực hiện 3 giải pháp này, vẫn cần bắt đầu từ gia đình. Cha mẹ hãy dành thời gian thích đáng cho con, định hình nhân cách từ sớm, giáo dục hành vi mang tính chuẩn mực, định hướng cung cách ứng xử, tạo cho gia đình trở thành môi trường nhân ái đầu tiên cho trẻ em, để khi lớn lên chúng lại mang sự nhân ái đó vào xã hội…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tội phạm giết người trẻ hóa: Cần giải pháp căn cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO