Tòa án nhân dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt hoạt động

Nhóm PV| 08/01/2022 09:01

BVCL - Nhằm tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án và tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam vào năm 2025, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức buổi lễ khánh thành Trung tâm Giám sát, điều hành, Trung tâm Tư liệu – Thư viện, ra mắt Phần mềm Trợ lý ảo và Nền tảng xét xử trực tuyến Tòa án nhân dân.

Sáng ngày 8/01/2022, Tòa án nhân dân tối cao long trọng tổ chức buổi Lễ khánh thành Trung tâm Giám sát, điều hành, Trung tâm Tư liệu – Thư viện, ra mắt Phần mềm Trợ lý ảo và Nền tảng xét xử trực tuyến Tòa án nhân dân.

Tham dự buổi lễ có Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC; Các Đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, cùng các đồng chí Lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Đồng chí Nguyễn Văn Du Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã trình bày báo cáo kết quả triển khai xây dựng Trung tâm giám sát điều hành và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân; Nền tảng xét xử trực tuyến; phần mềm Trợ lý ảo và Trung tâm Thông tin – Thư viện Tòa án nhân dân tối cao.

3cc0d3290c74c12a9865.jpg

Theo đó, Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng CNTT nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan chính phủ, xây dựng một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả hơn, thực sự của dân, do dân và vì dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình về cải cách hành chính của đất nước.

Các quyết sách, chỉ đạo của Đảng về CNTT điển hình là Nghị quyết 36 ngày 01/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Quyết định số 749 ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra chủ trương, định hướng và chiến lược rõ ràng để bắt kịp với xu thế thế giới của “thời đại số”.

Đặc biệt, tại Đại hội Đại biểu lần thứ 13 của đảng, Đảng ta đã tiếp tục xác định và đưa nhiệm vụ “… chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số,…; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước,…; tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội 13 và cũng là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, đã một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của cuộc cách mạng lần thứ 4 đối với sự phát triển của đất nước, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc nắm bắt thời cơ, các cơ hội và thành tựu từ cuộc cách mạng lần thứ 4 để xây dựng đất nước Việt Nam phát triển.

Đối với các cơ quan tư pháp, đứng trước yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại các văn kiện của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước như Nghị quyết số 48 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ: “Cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ, nhưng thuận tiện…”, “Đổi mới việc tổ chức phiên toà xét xử, ….” và “Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp”.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định “Nhà nước ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, phát triển CNTT cho Tòa án nhân dân”. Bên cạnh đó, các đạo luật hiện hành về tố tụng tư pháp (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính) đã có một số quy định về tố tụng điện tử như cho phép gửi, nhận đơn và tống đạt văn bản tố tụng bằng hình thức trực tuyến. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 2, trên cơ sở đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao Quốc hội khóa 15 đã ban hành Nghị quyết số 33 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đây là các quy định mới nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng về việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án và tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam.

Thực hiện kế hoạch xây dựng Tòa án điện tử, thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai một số hoạt động như: Ban hành 02 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tố tụng điện tử; Đưa vào sử dụng Trang điện tử Án lệ và công khai bản án; Xây dựng và vận hành thường xuyên hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến hơn 800 điểm cầu các Tòa án nhân dân và Tòa án Quân sự cấp quân khu; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị Tòa án (quản lý công tác thụ lý, giải quyết các loại án; quản lý nhân sự, tài chính…); Cung cấp một số dịch vụ tư pháp công trên nền tảng số (nhận đơn khởi kiện, trả lời đơn, tống đạt văn bản tố tụng)...

Không dừng lại ở đó, để đẩy nhanh tiến trình hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2025 theo Nghị quyết của Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN và trọng tâm là tạo sự đột phá trong cải cách tư pháp tại Tòa án, hỗ trợ Thẩm phán trong hoạt động chuyên môn; đặc biệt nâng cao hiệu quả quản trị Tòa án và bảo đảm cơ sở hạ tầng tổ chức phiên tòa trực tuyến khi Quốc hội thông qua.

Năm 2021, bên cạnh việc tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ nước ngoài, Tòa án nhân dân tối cao đã bố trí nguồn lực trong nước để triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin như: Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các Tập đoàn công nghệ lớn trong nước như Tập đoàn Viettel và Tập đoàn VNPT triển khai, lắp đặt hệ thống mạng nội bộ (WAN) cho toàn bộ Tòa án nhân dân các cấp (770 đơn vị) trên hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước để bảo đảm cơ sở hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn phục vụ triển khai các hệ thống phần mềm nội bộ dùng chung của Tòa án nhân dân.

Đặc biệt, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định xây dựng Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân; nền tảng xét xử trực tuyến dùng chung cho các Tòa án nhân dân; phần mềm Trợ lý ảo hỗ trợ cho Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án. Bên cạnh đó, với nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc lưu trữ, khai thác tư liệu, thông tin, Tòa án nhân dân tối cao cũng quyết định xây dựng Trung tâm tư liệu – Thư viện Tòa án nhân dân tối cao trở thành trung tâm tri thức về khoa học tư pháp, xứng tầm với vị thế, vai trò của Tòa án nhân dân trong giai đoạn cải cách tư pháp và trong xu thế hội nhập quốc tế.

Việc khánh thành, đưa vào sử dụng Trung tâm Giám sát, điều hành; Trung tâm Tư liệu – Thư viện; Phần mềm Trợ lý ảo và Nền tảng xét xử trực tuyến Tòa án nhân dân thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm, lỗ lực lớn của hệ thống Tòa án trong việc đồng hành, hỗ người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp kịp thời, phù hợp và hiệu quả để chủ động thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đến hoạt động tố tụng tại Tòa án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án nhân dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO