Tính độc lập của Tòa án làm nền tảng cho việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền

Mai Thoa| 05/04/2023 07:16

BVCL - Khi tiến hành tiếp tục cải cách tư pháp cần khẳng định dứt khoát, vị trí độc lập tư pháp của Tòa án làm nền tảng cho việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, hướng tới xét xử công bằng, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí (Trường Đại học Luật – ĐHQG Hà Nội) đã nêu vấn đề này khi đề cập đến nội dung kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng trong tố tụng hình sự tại Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng” được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí, Hiến pháp 2013 và các Bộ luật Tố tụng của nước ta đều quy định nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Trên cơ sở này, Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) 2015 đã có những quy định cụ thể để bảo đảm tính độc lập trong xét xử của Tòa án.

Tuy nhiên, thực tế, việc bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử chưa đạt được như mong muốn. Bên cạnh đó, cải cách tư pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền còn đòi hỏi sự độc lập của Tòa án với nội hàm độc lập thể chế, hoạt động và kinh phí. Do đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí nhận định rằng còn cần quan tâm nghiên cứu một số vấn đề để bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử.

Lần đầu tiên Hiến pháp 2013 bổ sung cơ chế “kiểm soát” giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thông qua các cơ quan Nhà nước, thể hiện hai khía cạnh quan trọng trong phương thức thực hiện quyền lực Nhà nước. Đó là phân công, phối hợp, kiểm soát giữa ba nhánh quyền lực trong thể thống nhất của quyền lực Nhà nước Việt Nam. Như vậy có thể thấy, đã có cơ sở của việc đưa quy định độc lập tư pháp với tư cách đại diện cho một nhánh quyền lực Nhà nước vào trong Hiến pháp.

1-2-.jpg
Độc lập tư pháp đòi hỏi xác định rõ ràng chức năng xét xử của Tòa án (Ảnh minh họa)

PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí cũng chỉ ra rằng, độc lập tư pháp đòi hỏi xác định rõ ràng chức năng xét xử của Tòa án, chức năng này chỉ riêng có của Tòa án, các cơ quan Nhà nước khác không thể chia sẻ, can thiệp gây ảnh hưởng đến quá trình xét xử và Tòa án cũng không phải thực hiện những nhiệm vụ khác ngoài xét xử trong quá trình giải quyết vụ án.

Thêm nữa, Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của Nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Như vậy, “ở tầm Hiến định, cơ sở pháp lý cao nhất đã có sự ghi nhận cụ thể và dứt khoát hơn trước đây về quyền tư pháp. Theo đó, quyền tư pháp chính là quyền xét xử và chủ thể của quyền tư pháp chính là các Tòa án”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí nhận xét.

Để bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử, cần nghiên cứu để bảo đảm những điều kiện để Thẩm phán được độc lập trong hoạt động xét xử và chỉ tuân theo pháp luật.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí, cần bổ sung những quy định pháp lý như: Thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời chứ không phải bổ nhiệm theo nhiệm kỳ; được miễn trừ trách nhiệm pháp lý do rủi ro nghề nghiệp trừ khi họ phạm vào những tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia; Có chế độ đãi ngộ cao phù hợp; đồng thời với việc tăng cường trách nhiệm của Thẩm phán; tạo sự tôn vinh của xã hội đối với Thẩm phán…

hoi-thao.jpg

Ngoài ra, các thủ tục tố tụng cũng cần phải quy định theo hướng bảo đảm sự độc lập của Tòa án, của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án. Có như vậy Thẩm phán mới không bị phân tâm vào những trách nhiệm ngoài xét xử, đôi khi trái với nguyên tắc độc lập khi đưa ra những phán quyết đối với các tranh chấp mà mình đang giải quyết.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí cũng nhấn mạnh, nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án đòi hỏi Tòa án phải bảo đảm rằng các thủ tục xét xử đều phải được tiến hành một cách đúng đắn và quyền của các bên đều được tôn trọng, bất kể đó là bên buộc tội hay gỡ tội. Điều này liên quan đến phương thức tiến hành tố tụng, mà theo đó để đảm bảo tính độc lập, tố tụng tại Tòa án phải là tố tụng tranh tụng chứ không phải là tố tụng buộc tội. Tòa án chỉ đóng vai trò trọng tài xem xét, phán quyết dựa trên việc đánh giá quan điểm của các bên buộc tội và gỡ tội chứ không tham gia vào bất cứ bên nào.

"Tổ chức hệ thống Tòa án theo chức năng, thẩm quyền xét xử “khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Tòa án là quan hệ hành chính” như Nghị quyết số 27-NQ/TW đã nêu. Hiện nay, việc tổ chức hệ thống Tòa án theo pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tính độc lập của Tòa án trong việc thực hiện chức năng xét xử, đồng thời còn hạn chế việc kiểm soát quyền lực trong tố tụng hình sự. Do vậy, cần hoàn thiện pháp luật theo hướng xây dựng hệ thống Tòa án trên cơ sở chức năng, thẩm quyền, không dựa theo tiêu chí lãnh thổ, địa giới hành chính", PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí nhấn mạnh .

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tính độc lập của Tòa án làm nền tảng cho việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO