Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu cho thấy, tiền gửi của khách hàng cá nhân tại các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng mạnh trong tháng 2/2025.
Cụ thể, đến cuối tháng 2, tổng lượng tiền gửi của cá nhân đạt 7,366 triệu tỉ đồng, tăng thêm 178.000 tỉ đồng so với cuối tháng 1 và tăng 301.000 tỉ đồng so với cuối năm 2024. Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm, lượng tiền gửi cá nhân đã tăng 4,26%.
Đáng chú ý, lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân đã chính thức vượt tiền gửi của các tổ chức kinh tế. Cùng thời điểm, tiền gửi của khối tổ chức kinh tế tiếp tục giảm tháng thứ hai liên tiếp. Cụ thể, trong tháng 2, khối này rút ròng 71.000 tỉ đồng, nâng tổng mức giảm trong 2 tháng đầu năm lên 305.000 tỉ đồng, tương đương mức giảm 3,98% so với cuối năm 2024. Tổng số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng đến cuối tháng 2 còn 7,362 triệu tỉ đồng.
Đây là lần hiếm hoi tiền gửi của cá nhân vượt qua tổ chức kinh tế trong hệ thống ngân hàng. Diễn biến này phản ánh xu hướng dòng tiền trong nền kinh tế, khi người dân có xu hướng gửi tiết kiệm nhiều hơn trong bối cảnh lãi suất có dấu hiệu nhích lên, trong khi doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và có thể đang rút tiền phục vụ hoạt động hoặc đầu tư vào các kênh sinh lời khác.
Cùng thời điểm, tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế tháng 2 cũng giảm nhẹ so với tháng 1. Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 2 đạt 18,157 triệu tỉ đồng, giảm 19.000 tỉ đồng so với tháng trước. So với cuối năm 2024, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,35%, cho thấy tốc độ tăng chậm hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước.
Để hút vốn từ dân cư trong tháng 2, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Một số nhà băng đưa lãi suất huy động vượt mốc 6%/năm, cao hơn so với mặt bằng chung trong nhiều tháng trước đó. Theo khảo sát, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng dao động từ 3,5 - 4,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 4,8 - 5,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng lên đến 5,8 - 7,7%/năm, tùy theo ngân hàng.
Diễn biến tăng lãi suất huy động trong tháng 2 được cho là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao đầu năm, cũng như cạnh tranh thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán còn nhiều biến động.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 2, trước yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trong tháng 3 và tháng 4, hàng chục ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất tiền gửi từ 0,3 - 1%/năm, tùy theo kỳ hạn và chính sách riêng.
Bước sang tháng 5, thị trường ghi nhận sự điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động tại một số ngân hàng với biên độ khoảng 0,1 - 0,3%/năm.
Theo giới chuyên gia, việc lãi suất huy động cá nhân tăng trong thời gian đầu năm và cao hơn tổ chức kinh tế là một tín hiệu cho thấy sự thận trọng của khu vực doanh nghiệp. Bối cảnh lạm phát được kiểm soát nhưng tiêu dùng chưa hồi phục mạnh, cùng với chi phí sản xuất đầu vào còn cao, khiến doanh nghiệp không mạnh tay mở rộng quy mô hoặc đầu tư dài hạn. Thay vào đó, dòng vốn có xu hướng quay vòng ngắn hạn hoặc tìm kiếm các kênh đầu tư khác như trái phiếu, bất động sản, vàng…
Trong khi đó, người dân tiếp tục xem gửi tiết kiệm là một kênh an toàn và ổn định trong bối cảnh thị trường tài chính chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc. Việc lãi suất tăng nhẹ trong tháng 2, cộng với mặt bằng lãi suất vẫn ở mức hợp lý trong tháng 3 và tháng 4, là lý do khiến dòng tiền từ cá nhân tiếp tục chảy vào ngân hàng.
Đại diện một ngân hàng thương mại lớn tại TP.HCM cho biết, áp lực cạnh tranh huy động vốn không còn cao như thời điểm đầu năm, do tăng trưởng tín dụng chưa thực sự mạnh. Trong quý I-2025, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống chỉ đạt khoảng 1,2%, thấp hơn kỳ vọng. Do đó, ngân hàng có điều kiện cân đối lại nguồn vốn, giảm lãi suất đầu vào để có cơ sở giảm lãi suất cho vay.
Dự báo trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục ổn định, khó có biến động lớn. Tuy nhiên, nếu tín dụng phục hồi nhanh trong quý II và quý III, có thể tạo áp lực lên nguồn vốn huy động, từ đó ảnh hưởng đến xu hướng lãi suất trong nửa cuối năm 2025.