Thừa Thiên - Huế: Nguy cơ mất đất vì lãnh nợ cho người khác

Hải Nam| 23/10/2022 12:37

Vợ chồng ông Đặng Uyển và bà Phan Thị Như Lý (trú tại TP Huế, Thừa Thiên - Huế) bỗng nhiên dính vào rắc rối và có nguy cơ mất trắng tài sản của mình là quyền sử dụng mảnh đất diện tích 191.8 m2 để bảo đảm một khoản vay cho người khác.

Ông Uyển, bà Lý cho biết, ngày 24/5/2012, vợ chồng ông bà ra Văn phòng Công chứng Nam Thanh (tỉnh Thừa Thiên - Huế) ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay vốn số 317560/HĐTC với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Phú Vang - Phòng giao dịch (PGD) Chợ Mai. Theo đó, vợ chồng ông Uyển - bà Lý đã dùng tài sản của mình là quyền sử dụng đất tại thửa B16, tờ bản đồ Khu quy hoạch dân cư hai bên đường Tùng Thiện Vương (TP Huế), diện tích 191.m2, để bảo lãnh cho Công ty Cổ phần (CTCP) Đại Lộ Xanh do ông Nguyễn Công Thọ làm Giám đốc và là chủ sở hữu vay ngân hàng số tiền 1 tỉ 450 ngàn đồng.

Tuy nhiên, theo ông Uyển, Hợp đồng thế chấp tài sản để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay vốn số 317560/HĐTC ngày 24/5/2012 có nhiều bất cập về cả nội dung lẫn hình thức.

hue1.jpg
Mảnh đất của vợ chồng ông Uyển có nguy cơ mất trắng khi được dùng để bảo đảm một khoản vay cho người khác.

Ông Uyển nêu rõ, ông chỉ là bên thế chấp tài sản để đảm bảo cho khoản vay 1 tỉ 450 triệu đồng cho CTCP Đại Lộ Xanh do ông Nguyễn Công Thọ làm Giám đốc. Thế nhưng, trong nội dung hợp đồng chỉ thể hiện nội dung Bên thế chấp và Bên nhận thế chấp, không thể hiện nội dung Bên vay tiền, đồng thời chỉ có chữ ký của vợ chồng ông Uyển và Ngân hàng, mà không có chữ ký của Bên vay - là đại diện CTCP Đại Lộ Xanh do ông Thọ làm Giám đốc.

Trao đổi với PV Báo Công lý, ông Đặng Uyển cho hay, cán bộ ngân hàng thời điểm đó giải thích cho vợ chồng ông “Đây chỉ là hợp đồng đảm bảo khoản vay cho CTCP Đại Lộ Xanh vay tiền có thời hạn 12 tháng theo quy định của ngân hàng lúc bấy giờ. Nên mọi trách nhiệm trả nợ sẽ do bên vay tiền là CTCP Đại Lộ Xanh chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên, sau 12 tháng, phía ngân hàng không thông báo cho ông biết về việc thực hiện nghĩa vụ khoản vay này, ông Uyển nói.

Phía ngân hàng cũng không thông qua ông mà tự động gia hạn khoản vay thêm 12 tháng nữa cho ông Nguyễn Công Thọ. Sau đó, ngân hàng tiếp tục dựa vào hợp đồng này để tự động đáo hạn khoản vay của ông Thọ và CTCP Đại Lộ Xanh mà không thông báo cho ông biết.

“Đến nay đã 10 năm ngân hàng cũng không trả lại tài sản thế chấp bảo lãnh của tôi mà kéo tôi vào một vụ tranh chấp hợp đồng giữa CTCP Đại Lộ Xanh và ngân hàng”, ông Uyển nói.

Cũng theo lời ông Uyển, vợ chồng ông đã ký thỏa thuận với vợ chồng ông Thọ là chỉ bảo lãnh trong thời gian 12 tháng (đến ngày 19/5/2013). Trong hợp đồng này, vợ chồng ông, ông Thọ, văn phòng công chứng và phía ngân hàng đều nhận thức rõ ràng là khi nói đến nợ gốc, lãi trong hạn, lãi phạt quá hạn... tức là chỉ nói đến một chu kỳ hạn vay (1 chu kỳ vay là 6 tháng - PV).

“Đến bây giờ tôi vẫn không biết trong Hợp đồng thế chấp tài sản để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay vốn số 317560/HĐTC ngày 24/5/2012 này tôi là bên thế chấp để vay tiền hay là bên thế chấp tài sản để bảo đảm khoản vay cho bên thứ ba. Vì nếu tôi là bên thế chấp để vay tiền như hình thức hợp đồng này ký kết thì số tiền 1 tỉ 450 triệu đồng trên đã đi đâu vì bản thân vợ chồng tôi không nhận được số tiền này hay ký các giấy tờ nào liên quan đến việc giải ngân số tiền trên. Còn nếu tôi là bên thế chấp để đảm bảo khoản vay cho bên thứ ba thì tại sao trong hợp đồng không có chữ ký của ba bên mà chỉ có chữ ký của vợ chồng tôi với ngân hàng…”, ông Uyển cho biết.

Ngày 3/1/, ông Nguyễn Công Thọ bị bắt vì “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (đến nay chưa ra tù). Ngay sau đó, công ty này đã dừng hoạt động hoàn toàn và hiện trong tình trạng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do không hoạt động kể từ ngày 3/1/2014.

Bất ngờ, ngày 28/3/2017 Ngân hàng NNPTNT huyện Phú Vang - PGD Chợ Mai gửi Thông báo số 01/TB/2017/NHNo-KD về việc xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ vay đến vợ chồng ông Uyển. Trong thông báo này, phía ngân hàng cho biết tài sản của vợ chồng ông Uyển dùng để thế chấp tại Hợp đồng thế chấp số 317560/HĐTC ký ngày 24/5/2012 có dư nợ đến ngày 28/3/2017 là 2 tỉ 700 triệu đồng (với số tiền tiền lãi là gần 1 tỉ 151 triệu).

Luật sư Trương Thị Minh Thông - Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Phú (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: Căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, chỉ có hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng bảo lãnh, không có loại hình hợp đồng vừa thế chấp vừa bảo lãnh. Trong trường hợp này, hợp đồng của vợ chồng ông Đặng Uyển và ngân hàng, việc gộp hai hợp đồng lại là hoàn toàn sai. Nếu hợp đồng này là quan hệ thế chấp thì vợ chồng ông Uyển không vay tiền nên sai về bản chất; còn nếu nói nó là hợp đồng bảo lãnh thì hợp đồng này không có bên thứ 3. Như vậy, trường hợp này là hợp đồng thế chấp giả tạo nhằm che đậy quan hệ bảo lãnh nên bị vô hiệu theo quy định tại Điều 129 BLDS năm 2005.

Theo luật sư Thông, Hợp đồng thế chấp tài sản để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay số 317560/HĐTC ngày 24/5/2012 được công chứng tại Văn phòng Công chứng Nam Thanh (tỉnh Thừa Thiên - Huế) không đúng cả về hình thức và nội dung. Trong hợp đồng này không xác định bên C là ai, nhưng trong mục 3.5 của Hợp đồng này lại đưa nghĩa vụ của bên C vào. Đến bây giờ ông Uyển cũng không biết ông Nguyễn Công Thọ và CTCP Đại Lộ Xanh nợ ngân hàng bao nhiêu tiền, nhưng việc ngân hàng khởi kiện CTCP Đại Lộ Xanh để yêu cầu phát mãi tài sản của vợ chồng ông Uyển, bà Lý để xử lý khoản vay cho CTCP Đại Lộ Xanh là bất hợp lý, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của vợ chồng ông bà.

Mặt khác, tại điểm 7.2.1 của hợp đồng quy định, hợp đồng này hết hiệu lực khi ông Thọ trả hết nợ cho ngân hàng, ngoài ra không còn quy định tính hiệu lực khác. Như vậy, hợp đồng này sẽ hết hiệu lực khi ông Nguyễn Công Thọ đại diện công ty đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ trả nợ. Điều này phù hợp với thời gian bảo lãnh được thỏa thuận giữa vợ chồng ông Uyển ký với vợ chồng ông Thọ ngày 19/5/2012 - 19/5/2013.

“Tôi được biết, ông Thọ đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ trả nợ trả hết món nợ vay của kỳ vay thứ nhất do vợ chồng tôi bảo lãnh, nhưng phía ngân hàng vẫn không thực hiện trả lại tài sản mà tôi đã thế chấp để bảo đảm khoản vay”, ông Uyển cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế: Nguy cơ mất đất vì lãnh nợ cho người khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO