Sáng 3/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) do Bộ VHTT&DL tổ chức.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ VHTT&DL, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Bộ VHTT&DL, năm 2023, kế thừa những kết quả đạt được năm 2022, với sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể, sự tham mưu đúng, trúng, kịp thời, toàn ngành đã bám sát và triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, các nghị quyết của Chính phủ; tập trung thực hiện nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam; triển khai hiệu quả các hoạt động, nhiệm vụ của Bộ đến từng cơ quan, đơn vị theo Kế hoạch công tác năm 2023 của Bộ; phục hồi, phát triển thể thao, du lịch; xây dựng gia đình tiến bộ, no ấm, hạnh phúc.
Trong Báo cáo tổng kết giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các báo cáo tại kỳ họp thứ 5, 6 Quốc hội khóa XV, Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phần nội dung về lĩnh vực VHTTDL đã được đề cập khá toàn diện, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, nhân dân đồng tình, ủng hộ, các cấp ủy Đảng, Chính quyền nhận thức ngày càng sâu sắc hơn vị trí vai trò của văn hóa, quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội", từ đó quan tâm lãnh đạo có hiệu quả hơn đối với vấn đề phát triển văn hóa, đây chính là sự động viên, khích lệ để toàn ngành tiếp tục nỗ lực phấn đấu.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành VHTT&DL được tổ chức nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện những kết quả quan trọng này. Đồng thời, đây cũng là dịp đánh giá sau 2 năm triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, với các nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hoá đã được Bộ VHTT&DL, cùng các bộ, ban, ngành và các địa phương trên cả nước cụ thể hoá trong hoạt động công tác.
Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, ngành VHTTDL xác định cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong sự nghiệp "Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới", tiếp tục triển khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt là "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", tích cực góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, bám sát phương châm hành động của Chính phủ năm 2023 "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", phương châm của ngành "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" được đề ra từ đầu nhiệm kỳ, ngành tiếp tục thay đổi căn bản, toàn diện tư duy "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa", tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên một số phương diện.
Theo đó, toàn ngành đã chủ động rà soát các "khoảng trống" trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để tham mưu đề xuất Chính phủ, Quốc hội nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước thông qua công cụ pháp luật, đồng thời "khơi thông" nguồn lực, "kiến tạo" sự phát triển mà điểm nhấn quan trọng được Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội giao chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Toàn ngành đã tập trung tham mưu trúng, đúng, kịp thời cho cấp ủy đảng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa. Chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với 3 nội hàm "Dân tộc, Khoa học và Đại chúng" được lan tỏa, các thành tố về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới được lượng hóa, để vận dụng trong quá tình thực hiện, được nhiều tỉnh thành ủy làm cơ sở trong xây dựng ban hành nghị quyết chuyên đề về văn hóa để có thể nhận định: nhận thức về văn hóa đã có sự thay đổi theo hướng tích cực và cho phép kỳ vọng "Nhận thức đúng sẽ hành động đẹp".
Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Nhận thức sâu sắc hơn về vai trò văn hóa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước, phát triển văn hóa cần sự chung tay của các cấp, các ngành, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương để nâng tầm quy mô tổ chức, chất lượng các sự kiện văn hóa nghệ thuật cấp vùng, cấp quốc gia.
Ngành cũng quan tâm mạnh mẽ hơn tới việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Điểm nhấn là với sự quan tâm, chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lần thứ nhất đã thành công, làm cơ sở cho việc đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành chiến lược mới về phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới.
Bộ cũng tích cực chuẩn bị, trình Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1/12/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020. Đoàn thể thao Việt Nam đã giành thành tích xuất sắc, dẫn đầu toàn đoàn, vượt chỉ tiêu đề ra tại kỳ SEA Games; thi đấu đạt kết quả tốt ở ASIAD 19 tại Trung Quốc, vòng loại Olympic; đội tuyển bóng đã nữ quốc gia lần đầu tiên giành quyền tham dự World Cup.
Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt trên 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2023.
Công tác ngoại giao văn hóa được triển khai tích cực, Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu rất cao. Hội An, Đà Lạt chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. 11 chương trình chính trị nghệ thuật trong khuôn khổ 5 chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước cùng với 6 chương trình tuần văn hóa, lễ hội du lịch và văn hóa Việt Nam tại nước ngoài trong năm 2023 đã góp phần quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn với nền văn hóa đặc sắc tới đông đảo bạn bè quốc tế.
Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được cải tiến. Công tác truyền thông từng bước có sự chuyển biến.