Các đối tượng ngang nhiên vận chuyển máy móc, thiết bị và nhân lực vào rừng khai thác vàng trái phép một cách công khai với quy mô lớn, thế nhưng lãnh đạo xã lại cho rằng việc khai thác mới chỉ là dấu hiệu và diện tích không đáng kể.
Chạm mặt “vàng tặc”
Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu truyền tai kể cho nhau về một “đường dây” khai thác vàng quy mô ngay trên đất rừng tại khu vực bản Bó, xã Mường Tè, huyện Mường Tè (Lai Châu). Bởi từ lâu nơi đây được đánh giá là có trữ lượng vàng không nhỏ. Núp dưới danh nghĩa trồng rừng sản xuất, dựng lán trại để nuôi gà,các đối tượng đào hầm khai thác vàng trái phép rầm rộ cả ngày lẫn đêm.
Nhận được thông tin phản ánh của người dân cung cấp, chúng tôi quyết định đến bản Bó, xã Mường Tè để tìm hiểu thực hư câu chuyện.
Chiều ngày 24/10/2023, có mặt tại bản Bó, xã Mường Tè, người dẫn đường tên B. cho biết chúng tôi biết, khu vực khai thác vàng chỉ cách khu vực dân cư và UBND xã vài trăm mét, nằm ngay dưới khe núi, với chỉ một con đường độc đạo. Xung quanh khu vực có chó và được rải người canh gác cẩn mật, chỉ có người dân địa phương mới biết đường vào, người lạ chỉ cần xuất hiện là có người cảnh báo hoặc tìm cách ngăn cản, xua đuổi.
Để nắm bắt địa hình, B. đưa chúng tôi khảo sát khu vực xung quanh nhưng do trời nhanh tối nên đành rời bản. Quả đúng như lời B. nói, khi quay xe ra đường chính, lập tức có 2 chiếc xe máy bám theo chúng tôi.
Sáng ngày hôm sau, sau khi căn dặn chúng tôi cách trả lời nếu chạm mặt nhóm khai thác vàng, B. dẫn chúng tôi đi tìm mỏ. Men theo con đường đất nhỏ, qua căn nhà sàn của một người dân mà B. bảo chính là “chim lợn”, tiếng chó sủa inh ỏi vang vọng khắp bìa rừng khiến mọi người không khỏi lo lắng. Đi khoảng chừng 10 phút, tiếp cận được lối lên rừng, càng đi sâu vào trong, cây cối càng rậm rạp khiến việc di chuyển vô cùng khó khăn và mất sức.
Sau khoảng thời gian cuốc bộ, nhóm cũng đã tìm được đến vị trí khai thác vàng. Thấy người lạ xuất hiện, một người đàn ông tỏ vẻ hoài nghi và chặn đường khi chúng tôi có ý định tiến vào. Người này liên tục chất vấn và dò hỏi lý do vào đây, B. nhanh nhẹn trả lời là vào rừng tìm thuốc nam, nhưng người này yêu cầu chúng tôi phải nhanh chóng rời khỏi khu vực và cử người áp tải chúng tôi ra tận đường chính.
Quan sát nhanh, chúng tôi nhận thấy địa điểm khai thác vàng này nằm ngay sát một bụi tre, xung quanh được bao bọc bởi các ngọn núi. Tại đây, các đối tượng dựng một cửa hầm kiên cố bằng tôn.
Tại cửa hầm, xung quanh đất đá được san phẳng, tạo thành một nền đất rộng chừng 50m2 dùng làm nơi sàng rửa vàng. Phía bên trên cửa hầm, một đường dây tải điện được kéo xuống dùng để thắp sáng đường hầm và chạy máy thông gió. Nhìn vào trong hầm chỉ thấy một màu đen sâu hun hút, thỉnh thoảng mới thấy lập lòe ánh sáng của đèn điện.
Một người dân bản Bó cho biết, khu vực này có trữ lượng vàng khá lớn, việc khai thác vàng bắt đầu từ năm ngoái với các hầm vàng đều rất dài, có cái lên tới hơn 200m. Để đào được các cái hầm như vậy cũng phải cần phải có 10 đến 14 người, công nhân hầu hết đều là người ở nơi khác đến.
“Trước bên xã cũng đã đình chỉ tổ máy này rồi nhưng năm nay họ lại mò lên làm lại với quy mô lớn hơn”, người này cho biết.
Rời khỏi khu khai thác vàng, chúng tôi lập tức liên hệ với chính quyền xã Mường Tè để làm rõ trách nhiệm quản lý cũng như phương án xử lý sự việc trên.
Tiến vào “hầm vàng”
Liên hệ làm việc với UBND xã Mường Tè, chúng tôi đem những hình ảnh ghi lại trao đổi với ông Tống Văn Thinh, Chủ tịch UBND xã Mường Tè. Sau khi xem các hình ảnh, ông Thinh cho rằng việc khai thác chỉ là dấu hiệu, cách đây 2-3 ngày xã đã lên xác minh khi có thông tin, nhưng chỉ phát hiện có một người dân ở đó còn không thấy hoạt động khai thác vàng nào cả.
Khi phóng viên đề nghị xã cử lực lượng phối hợp xuống kiểm tra hiện trường, ông Thinh cử ông Lù Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND xã cùng Công an xã, công an viên và dân quân xã vào khu mỏ khai thác.
Điều ngạc nhiên là khi đoàn kiểm tra tiến vào bãi vàng trái phép trên, các đối tượng không biết nhận thông tin từ đâu nên đã rút đi từ lúc nào không hay. Tại hiện trường, cửa vào hầm mỏ được khóa lại bằng một chiếc khóa dây, xung quanh vẫn còn vương vãi các vật dụng như một số chai lọ đựng dầu, can nhựa, bao tay, các bao tải đựng đất đá…
Ông Phó Chủ tịch xã Lù Văn Chánh thừa nhận việc khai thác là mới xảy ra do đất đá đổ ra còn rất mới rồi ông yêu cầu Công an xã đi cùng mở khóa cửa hầm. Khi cửa hầm được mở ra, chúng tôi không khỏi sửng sốt khi một đường hầm rộng chừng 1m, cao gần 2m với chiều dài khoảng hàng chục mét được đào sâu vào lòng núi, xung quanh được gia cố chắc chắn và chuyên nghiệp bởi các vách gỗ và cột chống.
Chúng tôi tiếp tục tiến vào hầm, càng đi sâu vào trong, không khí càng ngột ngạt và khó thở, dọc trên vách là hệ thống đường dây điện, bóng điện chiếu sáng, các dụng cụ để đào hầm như cuốc chim, xẻng, xe rùa chở đất. Ngay lối vào cửa hầm vẫn còn máy đục bê tông, máy khoan bắn vít, dây điện, hệ thống ống dẫn không khí, máy bơm không khí, cuốc xẻng, hàng chục tấm vách gỗ… mà các đối tượng chưa kịp mang đi. Cuối buổi kiểm tra, ông Chánh yêu cầu lực lượng Công an xã tạm giữ các vật dụng, thiết bị mang về trụ sở UBND xã để lập biên bản.
Theo ông Chánh tại khu vực này các đối tượng nhiều lần vào khai thác trộm, UBND xã cũng đã kiểm tra và lập biên bản. Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, ông Chánh cho biết đây thuộc trách nhiệm của xã về khoáng sản chưa được cấp phép khai thác, tuy nhiên về quá trình quản lý thì đôi lúc chưa kịp thời được, đồng thời thừa nhận các sai sót về sự việc này.
Cũng theo ông Chánh, mặc dù nhiều lần phát hiện và lập biên bản sự việc, thế nhưng UBND xã Mường Tè chưa một lần báo cáo bằng văn bản lên UBND huyện và các cơ quan chức năng mà chỉ mới báo cáo “bằng miệng” duy nhất một lần lên Phòng Tài nguyên và Môi trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay các cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu chưa cấp phép cho bất kỳ một đơn vị hay tổ chức nào về việc khai thác vàng, kể cả giấy phép thăm dò tại khu vực xã Mường Tè.
Tuy nhiên, việc các đối tượng ngang nhiên vận chuyển máy móc, thiết bị và con người vào khai thác vàng một cách rầm rộ trong suốt một thời gian dài nhưng các cơ quan chức năng vẫn không hay biết, điều này khiến người dân địa phương hoài nghi cho rằng, có hay không việc bao che, “bảo kê” làm ngơ cho một nhóm người trục lợi khai thác khoáng sản ?