Thái Nguyên: Từng bước vươn lên vị trí dẫn đầu về thu hút đầu tư

Nguyễn Liên| 30/10/2021 20:07

BVCL - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, Thái Nguyên vẫn là tỉnh có nhiều điểm sáng tích cực, là tiền đề quan trọng để tỉnh hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế quan trọng năm 2021 và giai đoạn 2021-2026, tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước, từng bước đưa địa phương vươn lên vị trí dẫn đầu về thu hút đầu tư.

a1..jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, biểu dương và ghi nhận những thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong những năm qua.

Tối 29/10, tỉnh Thái Nguyên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.

a2..jpg
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng Đồng bằng Bắc Bộ và đang phát triển trở thành một trong những trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Thủ đô Hà Nội; là địa bàn chiến lược về quốc phòng - an ninh, nơi đóng trụ sở Bộ tư lệnh cùng nhiều cơ quan khác của Quân khu 1.

Trong kháng chiến, Thái Nguyên là An toàn khu của cả nước. Suốt thời gian đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã làm tròn sứ mệnh bảo vệ “Thủ đô kháng chiến”.

Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn phát huy truyền thống yêu nước, anh dũng, kiên cường, cùng với quân và dân cả nước đấu tranh giành nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kể từ khi tái thành lập tỉnh (ngày 1/1/1997), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Đến nay, quy mô kinh tế Thái Nguyên không ngừng mở rộng; giá trị xuất khẩu đứng thứ 4 cả nước; thu ngân sách đứng trong tốp 20 cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,48%, riêng năm 2020 là 4,24%, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, tỉnh thuộc tốp 15 tỉnh, thành phố có chỉ số cạnh tranh tốt nhất cả nước.

Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 100 triệu đồng/người/năm trở lên…

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, trong thời gian tới Thái Nguyên sẽ tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh; xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ và hành động với đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn giàu đạo đức, đặc biệt là đạo đức công vụ;

Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm; tập trung phát triển theo chiều sâu, phát triển các khu, cụm công nghiệp lớn gắn với phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ và đô thị hiện đại; tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và quản lý dự án đầu tư; tích cực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tập trung xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó đặc biệt quan tâm tới vị thế vai trò của Thái Nguyên là động lực, là cực tăng trưởng trong liên kết vùng và với các tỉnh lân cận; Tập trung các nguồn lực thực hiện chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chúc mừng, biểu dương và ghi nhận những thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong những năm qua. Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên tập trung quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

a3..jpg
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất và Cờ thi đua của Chính phủ tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Cờ thi đua của Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên; trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho 7 cá nhân và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 1 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.

Có thể nhận thấy, tỉnh Thái Nguyên tron những năm qua có sự thay đổi, phát triển đặc biệt, bền vững, đồng bộ. Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kịch bản điều hành và chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, với nhiệm vụ hàng đầu là bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân và bảo vệ vững chắc “Vùng Xanh sản xuất và cung ứng” cho nền kinh tế trong tình trạng bình thường mới.

a4.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trao tặng Huân chương và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho các cá nhân của tỉnh Thái Nguyên.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, những chỉ tiêu kinh tế quan trọng trong năm 2021 bước đầu cho thấy bức tranh kinh tế của Thái Nguyên tiếp tục có nhiều điểm sáng tích cực, là tiền đề để tỉnh hoàn thành tốt các mục tiêu của cả năm và trong giai đoạn 2021-2026, đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước, từng bước đưa địa phương vươn lên vị trí dẫn đầu về thu hút đầu tư. Thuộc nhóm các tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) cao so với cả nước, GRDP của Thái Nguyên 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước là 5,64% và là địa phương đứng thứ 6 trong các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Từng bước vươn lên vị trí dẫn đầu về thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO