Ngày 31/10, số người chết trong thảm hoạ lũ quét tại miền Đông Tây Ban Nha tăng lên 158. Đây là một trong những thảm hoạ lũ lụt tồi tệ nhất tại châu Âu.
Mưa lớn gây lũ quét tại miền Đông Tây Ban Nha trong 2 ngày 29/10 và 30/10 khiến ít nhất 158 người thiệt mạng. Trong số đó, chỉ riêng vùng Valencia có 155 nạn nhân.
Lũ quét tàn phá cơ sở hạ tầng của Valencia. Cầu, đường, đường sắt bị cuốn trôi. Xe con, xe tải bị nước cuốn nằm chồng lên nhau trên nhiều tuyến cao tốc. Diện tích đất trồng cam – trái cây xuất khẩu đặc trưng của Tây Ban Nha, ngập đến 2/3 trong biển nước. Khoảng 80 km đường ở miền Đông nước này bị hư hỏng nặng, không thể sử dụng được.
Trong khi đó, tại thị trấn Utiel nằm sâu 85km vào trong đất liền, sông Magro vỡ bờ khiến nước dâng cao tới 3m, tràn vào hầu hết các ngôi nhà một tầng.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez kêu gọi người dân ở nhà do nguy cơ tiếp tục xuất hiện bão. Ông cho biết thêm: Tình trạng khẩn cấp tại Valencia hiện đã đến cấp độ 2, do vậy, chính phủ huy động nguồn lực lớn gồm hơn 1.800 cảnh sát, 750 cảnh vệ dân sự, 200 binh sĩ, cùng trực thăng, máy bay và mọi nguồn lực cần thiết khác.
Trước thảm kịch tại Valencia, Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố quốc tang 3 ngày, bắt đầu từ 31/10. Nhà Vua Tây Ban Nha, Felipe VI, cũng gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.
Thứ ba, ngày 29/10, chỉ trong 8 giờ, một phần của khu vực Valencia hứng chịu lượng mưa cao ngang mức cả năm. Con số này góp phần biến vụ lũ quét qua miền Đông Tây Ban Nha trở thành thảm hoạ lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, có thể trở thành thảm hoạ liên quan đến bão tồi tệ nhất tại châu Âu trong hơn 5 thập kỷ trở lại đây.
Các nhà khí tượng học cho biết: Biến đổi khí hậu do con người gây ra đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, gây hậu quả nặng nề hơn. Trước trận lũ lớn nhất vài thập kỷ qua ở Tây Ban Nha, Đức từng hứng chịu lũ lớn khiến ít nhất 185 người thiệt mạng. Năm 1970, lũ ở Romania khiến 209 người chết, và trận lũ ở Bồ Đào Nha năm 1967 cướp đi gần 500 mạng người.