TANDTC Việt Nam - Lào: Đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực

Thu Trang| 12/05/2022 20:35

BVCL - Sáng ngày 12/5, tại Trụ sở TANDTC, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC,đã có buổi hội đàm song phương với đồng chí Viêng Thoong Sỉ-Phăn-Don, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Lào và các thành viên trong đoàn công tác nhân dịp đoàn sang thăm Việt Nam.

0049b1f05002915cc8136.jpg
Toàn cảnh phiên hội đàm song phương giữa TANDTC Việt Nam và TANDTC Lào

Tại buổi hội đàm, hai bên đã điểm lại những kết qủa hợp tác tốt đẹp giữa Tòa án hai nước trong thời gian qua. Mối quan hệ đồng chí anh em giữa Việt Nam và Lào đã hình thành và phát triển từ lâu đời. Trong suốt thời kỳ hai dân tộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất, mối quan hệ gắn bó truyền thống giữa hai dân tộc Lào-Việt đã có những chuyển biến mới về chất và ngày càng phát triển.

Trong bối cảnh chung đó, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Tòa án hai nước ngày càng phát triển. Việc tăng cường mối quan hệ hợp tác đã và sẽ mang lại những lợi ích cụ thể, thiết thực cho cả hai hệ thống Tòa án Việt Nam và Lào, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của mỗi quốc gia, cũng như thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai dân tộc.

388f823263c0a29efbd18.jpg
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC Việt Nam phát biểu tại buổi hội đàm

Chia sẻ tại buổi hội đàm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình gửi lời chúc mừng đến đồng chí Viêng Thoong Sỉ-Phăn-Don đã được bầu là Bí thư Trung ương Đảng và Chánh án TANDTC Lào. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới của đồng chí, cũng là chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa quan trọng, vì năm 2022 là năm kỷ niệm 60 năm thành lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 45 năm ngày ký Hiệp ước hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, thời gian qua Tòa án Việt Nam đã có những hỗ trợ kinh phí để Tòa án Lào triển khai nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả. Theo nội dung hai bên đã thống nhất giữa Tòa án tối cao hai nước, thông qua con đường đối ngoại, Tòa án Lào có đề nghị trao đổi thêm một số nội dung như: Hỗ trợ cơ sở vật chất; Phối hợp đào tạo; Các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử; Trao đổi đoàn giữa Tòa án hai nước cả Trung ương và địa phương.

Về hỗ trợ cơ sở vật chất nâng cao năng lực hoạt động, Tòa án Việt Nam đã báo cáo với Chính phủ, Tòa án Lào có thể liên hệ với Phân ban Việt Lào và đề xuất những vấn đề cấp thiết. Trước đây, TANDTC Việt Nam đã tặng cho TANDTC Lào một số thiết bị điện tử phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Nhân chuyến thăm lần này, TANDTC Việt Nam sẽ tặng 10 máy tính xách tay cho TANDTC Lào.

55c55c78bd8a7cd4259b9.jpg
Nhân chuyến thăm lần này, TANDTC Việt Nam sẽ tặng 10 máy tính xách tay cho TANDTC Lào

Trong hỗ trợ xây dựng luật, TANDTC Lào cũng đã cử một số đoàn công tác sang thăm và làm việc, học hỏi những kinh nghiệm, xây dựng luật pháp, kinh nghiệm hoạt động của Tòa Hành chính. Phía Việt Nam cũng đã cử nhiều đoàn công tác là Thẩm phán và lãnh đạo TANDTC sang Lào trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức về xét xử các vụ án hành chính tại Lào.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin thêm, theo chế độ luân phiên, năm nay, Lào sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Chánh án ba nước Lào, Campuchia, Việt Nam. Tòa án Việt Nam sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng với TANDTC Lào trong việc triển khai thực hiện hội nghị từ nội dung đến hỗ trợ kinh phí.

91edad6d4c9f8dc1d48e10.jpg
TANDTC Việt Nam hỗ trợ 2 tỷ cho TANDTC Lào tổ chức Hội nghị Chánh án ba nước Lào, Campuchia, Việt Nam

Về phối hợp đào tạo, trong năm 2021, Tòa án Việt Nam đã tổ chức đào tạo 5 khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Thẩm phán Tòa án Lào. Theo phân bổ của Phân ban Lào Việt, năm nay TANDTC Việt Nam được giao nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng cho TANDTC Lào với nguồn kinh phí 700 triệu đồng. Chánh án Nguyễn Hòa Bình đưa ra ba phương án tổ chức đào tạo để hai bên cùng nhau thống nhất thực hiện: Một là, Tòa án Lào cử cán bộ sang Việt Nam học tập; Hai là, Việt Nam cử cán bộ sang Tòa án Lào để hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng; Ba là, nếu Tòa án Lào đáp ứng được việc đào tạo trực tuyến thì Việt Nam sẽ tổ chức bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến.

Về kinh nghiệm của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, trước hết là hoạt động xét xử, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chia sẻ: Về tổng thể, Việt Nam đã trải qua một chiến lược Cải cách Tư pháp mà trọng tâm là cải cách hoạt động Tòa án từ năm 2008 cho đến nay. Đây là chiến lược Cải cách Tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị. Qua chiến lược Cải cách Tư pháp này, tổ chức bộ máy đã được hoàn thiện một cách cơ bản, đội ngũ cán bộ đã được tăng cường về số lượng và chất lượng, cơ sở vật chất được đầu tư, chất lượng hoạt động được nâng lên.

Qua hơn 15 năm thực hiện Cải cách Tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tòa án Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nên tại Đại hội XIII của Đảng đã quyết định một chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền mới từ nay cho đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Trong chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền này có nội dung về Cải cách Tư pháp.

Hiện, TANDTC Việt Nam đã đề ra 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ, tiến hành tranh tụng, nâng cao chất lượng các bản án… đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo cho đội ngũ Thẩm phán. Hàng tháng TANDTC Việt Nam sẽ tổ chức đào tạo trực tuyến, mời Chánh án các nước, Chuyên gia trong và ngoài nước để bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 10.000 Thẩm phán bằng hệ thống truyền hình trực tuyến.

Về trao đổi đoàn giữa Tòa án hai nước, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định Tòa án Việt Nam sẽ tăng cường trao đổi đoàn công tác từ Trung ương đến địa phương với Tòa án Lào. Đồng thời, TANDTC Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ TANDTC Lào trong việc tổ chức Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, dự kiến được tổ chức tại Lào vào tháng 8/2022. Hiện hai nước có 10 tỉnh chung đường biên giới, các tỉnh này đang có nhiều hỗ trợ, giao lưu với nhau đạt nhiều kết quả tốt. Trong đó, phải kể đến những vẫn đề liên quan đến tranh chấp xuyên biên giới.

8754b3eb52199347ca087.jpg
Đồng chí Viêng Thoong Sỉ-Phăn-Don, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Lào tại phiên hội đàm

Chia sẻ tại buổi hội đàm, Chánh án TANDTC Lào cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, tận tình của lãnh đạo TANDTC Việt Nam đối với đoàn công tác và bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được của TAND Việt Nam trong Cải cách Tư pháp. Chánh án TANDTC Lào hoàn toàn nhất trí với những nội dung mà Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã chia sẻ tại buổi hội đàm. Đồng thời khẳng định, sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung đã được thống nhất trong Biên bản ghi nhớ về sự hợp tác giữa Tòa án tối cao hai nước được ký năm 2008 và một số nội dung về việc tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Tòa án hai nước đã được hai Tòa án trao đổi và thống nhất tại phiên hội đàm bằng hình thức trực tuyến vào tháng 3 năm 2022.

Bên cạnh đó, Chánh án TANDTC Lào cũng mong muốn trong thời gian tới, TANDTC Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác trong hoạt động chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về Cải cách Tư pháp; ứng dụng công nghệ thông tin tại Tòa án; đào tạo tư pháp; tăng cường mối quan hệ hợp tác của Tòa án địa phương hai nước đặc biệt là Tòa án các tỉnh biên giới.

Cũng tại phiên hội đàm, trên cơ sở một số kết quả đã đạt được, hai bên cam kết sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác, nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực Tư pháp, cũng như củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC Việt Nam - Lào: Đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO