TANDTC tổ chức Hội thảo khoa học “Lịch sử TAND Việt Nam giai đoạn 1945-1960”

Dương Thảo| 16/05/2022 16:44

BVCL - Sáng 16/5 tại Hà Nội, TANDTC tổ chức Hội thảo khoa học “Lịch sử TAND Việt Nam giai đoạn 1945-1960”. Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC chủ trì Hội thảo.

ba2d1321-e769-493d-8d01-4a3c92ead9fb.jpg
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh:  Nguyễn Dương

Tham dự Hội thảo còn có các thành viên Ban cán sự Đảng, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC, cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC và các nhân chứng lịch sử, các chuyên gia, nhà khoa học.

Hội thảo nhằm làm rõ các thông tin, sự kiện, nhân vật lịch sử Tòa án Việt Nam giai đoạn 1945-1960, tiếp tục hoàn thiện bản thảo cuốn sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam (1945-2020) do TANDTC nghiên cứu, biên soạn.

1a649c2a-3bf0-4bc6-b6a9-7687405bc004.jpg
Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC chủ trì Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Dương

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Ngày 18/10/2021, TANDTC đã tổ chức Hội thảo khoa học xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo TANDTC, các nhân chứng lịch sử và các chuyên gia, nhà khoa học về Đề cương của cuốn sách. Trên cơ sở ý kiến của các đồng chí, Ban Biên soạn đã chỉnh lý, hoàn thiện Đề cương cuốn sách và trình Ban cán sự Đảng TANDTC thông qua. Đến nay, Ban Biên soạn đã hoàn thành bản thảo Phần mở đầu, Chương I và Chương II của cuốn sách để xác minh các thông tin, sự kiện, nhân vật lịch sử Tòa án Việt Nam giai đoạn 1945-1960, tiếp tục hoàn thiện bản thảo cuốn sách bảo đảm chất lượng.

Đặc biệt, những năm từ 1945-1960 là giai đoạn Tòa án nhân dân Việt Nam ra đời, thực hiện sứ mệnh bảo vệ chính quyền cách mạng và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; Tòa án nhân dân Việt Nam dần dần hình thành, củng cố tổ chức, từng bước kiện toàn, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và TANDTC được thành lập vào năm 1959. Các Tòa án bám sát yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ kháng chiến, kịp thời xét xử các vụ án trừng trị nghiêm các tội phạm, nhất là với tội phạm phản quốc, chống phá cách mạng, chống phá kháng chiến.

Tuy nhiên do điều kiện đất nước đang trải qua chiến tranh, công tác lưu trữ chưa có tính hệ thống, một số sự kiện, nhân vật mang tính lịch sử của Tòa án cần được nghiên cứu, minh định thông tin nhằm đưa vào nội dung cuốn sách một cách chính xác.

Trên cơ sở đó, đồng chí Phó Chánh án TANDTC mong muốn các đồng chí tham gia Hội thảo sẽ đóng góp ý kiến sát sao, tâm sức, nhiệt huyết cho dự thảo của cuốn sách để Ban Soạn thảo tiếp tục biên soạn nội dung các giai đoạn sau.

Hội thảo đã nghe ý kiến trình bày dự thảo nội dung lịch sử Tòa án nhân dân giai đoạn 1945-1960. Nội dung dự thảo bao gồm phần giới thiệu của Chánh án TANDTC, phần mở đầu và 2 chương nội dung.

Trong phần giới thiệu cuốn sách đã đề cập sơ lược sự ra đời, phát triển Tòa án; Vai trò của Tòa án; Quy trình tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản; Giá trị, ý nghĩa của công trình “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam (1945-2020)”. Phần mở đầu đã giới thiệu sơ lược từ khởi nguồn hình thành quốc gia dân tộc đến năm 1930. Nội dung Chương I cuốn sách giới thiệu về Tòa án nhân dân Việt Nam ra đời, hoàn thành sứ mệnh bảo vệ chính quyền cách mạng, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Tại Chương II, cuốn sách tập trung vào nội dung xây dựng Tòa án nhân dân Việt Nam, thành lập TANDTC (7/1954 - 1960).

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, đóng góp, phát biểu nhiều ý kiến về bản thảo cuốn sách. Các ý kiến tại Hội thảo đã thể hiện nhất trí cao về tầm quan trọng sự cần thiết phải xây dựng cuốn sách “Lịch sử Tòa án nhân dân”, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

5a3a9935-70c9-468a-bba9-17da872c4040.jpg
Đại biểu đóng góp ý kiến cho bản thảo. Ảnh: Nguyễn Dương

Hầu hết các đại biểu đều nhất trí nội dung của bản thảo lịch sử Tòa án giai đoạn này, đồng thời, đánh giá tư liệu, nội dung trong bản thảo là những thông tin quý báu, là căn cứ để cuốn sách sớm hoàn thiện nội dung.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đưa ra góp ý, nhận xét cho bản thảo như: Cần bổ sung thêm phần ý nghĩa sự ra đời của cuốn sách, phần mở đầu của cuốn sách nên nhấn mạnh tới vai trò của Tòa án, nên thay đổi cách viết lịch sử theo phương pháp hiện đại, không nên viết cuốn sách theo phương pháp liệt kê cổ điển như hiện nay…

Kết luận Hội thảo, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ ghi nhận và cảm ơn, các chuyên gia, nhà khoa học cùng các đại biểu, với tâm huyết của mình đã trao đổi thẳng thắn, đưa ra những ý kiến đánh giá khách quan vào việc nghiên cứu, xây dựng cuốn sách… đảm bảo tính khoa học, tôn trọng sự thật lịch sử. Những ý kiến tham luận tại Hội thảo sẽ được Ban Chỉ đạo, Ban Biên soạn cuốn sách tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện dự thảo nội dung “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam” giai đoạn 1945-1960 và tiếp tục biên soạn nội dung các giai đoạn sau của cuốn sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC tổ chức Hội thảo khoa học “Lịch sử TAND Việt Nam giai đoạn 1945-1960”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO