Trong nước

Tâm huyết phát triển đội ngũ doanh nhân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Mai Thoa 25/07/2024 - 09:29

Qua 3 nhiệm kỳ, với 13 năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất của đất nước, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những định hướng lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, trong đó có các chính sách nhằm hỗ trợ và phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Chính sách vĩ mô mà chúng tôi muốn đề cập đến là Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 và Nghị quyết 41-NQ/TW ban hành ngày 10/10/2023 đã tiếp thêm sức sức mạnh, góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Chính sách phát triển đội ngũ doanh nhân đầu tiên

Nghị quyết 09-NQ-TW/2011 ra đời 13 năm trước đã đề ra 7 phương hướng, nhiệm vụ, bao gồm: Nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân;

z5656888596682_5829ee43bd25502aba6400228b3188a1.jpg
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tại cuộc làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngày 17/12/2011. Ảnh: Nguyễn Khánh.

Hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; Quan tâm, tạo chuyển biến trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân; Đề cao đạo đức, văn hoá kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

13 năm trước, trong một buổi thăm và làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp, nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã nhấn mạnh: Lần đầu tiên có một Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Doanh nhân Việt Nam là những người mang tinh thần người lính làm kinh tế, có quyết tâm, ý chí của người lính để thực hiện tốt nhiệm vụ xã hội giao phó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước…

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khi đó đã nói rằng, sự ra đời của Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị là bước đi mới về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Nghị quyết 09 đã phản ánh đúng những nguyện vọng của đội ngũ doanh nhân và yêu cầu của nền kinh tế. Kể từ đây đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có một Nghị quyết của Đảng xác định rõ vai trò, vị trí và định hướng phát triển cho mình, cùng với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sau 10 năm triển khai cùng với sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn. Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng trưởng mạnh, hiện có hơn 1,152 triệu doanh nghiệp thành lập mới, tăng gấp 2 lần so với trước năm 2011 và bình quân mỗi năm có gần 104.739 doanh nghiệp ra đời; chất lượng của đội ngũ doanh nhân được cải thiện rõ rệt.

Có thể thấy rằng, trong suốt thời gian triển khai Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá, góp phần giải phóng sức sản xuất, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, huy động các nguồn lực để duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề xã hội.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh và khẳng định đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện. Ông cho biết, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước; tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách.

Nâng tầm đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam

Sau 2 năm sau khi tổng kết Nghị quyết 09, Nghị quyết 41-NQ/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, thêm một lần nữa thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ sức thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới tạo động lực để phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

kt.jpg
Kinh tế Việt Nam với những bước phát triển mạnh những năm gần đây (Ảnh minh hoạ)

Nghị quyết 41 nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt.

Về tầm nhìn đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Nghị quyết 41-NQ/TW cũng đưa ra 7 giải pháp, đó là: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến; Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới;

Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; Phát huy vai trò của VCCI, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

Nghị quyết 41 là sự đồng bộ hóa, cụ thể hóa chủ trương định hướng Đại hội XIII đề ra. Thực tế, trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta cũng đã khẳng định: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi. Đồng thời, xác định quan điểm phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân.

Một trái tim lớn đã ngừng đập, nhưng sự lãnh đạo quyết đoán và các chính sách đổi mới của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể chế hoá qua các Nghị quyết sẽ vẫn còn tiếp tục được các cấp các ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ những năm tiếp theo. Và với tinh thần “Biến đau thương thành hành động”, chúng ta tin tưởng rằng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, chung tay phát triển kinh tế đất nước đi lên mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tâm huyết phát triển đội ngũ doanh nhân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO