Trong nước

Tách vụ án xét xử người chưa thành niên không ảnh hưởng đến bản chất vụ án

Duy Tuấn 22/06/2024 - 07:06

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, khi xét xử riêng, mọi thông tin về người chưa thành niên được đảm bảo bí mật và sẽ giảm căng thẳng khi tham gia phiên tòa, từ đó không gây ra những ảnh hưởng tâm lý nặng nề, di chứng tinh thần hoặc trở thành những ám ảnh trong suốt cuộc đời.

Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN), đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, pháp luật Việt Nam hiện nay quy định các biện pháp xử lý NCTN còn nằm rải rác tại các đạo luật khác nhau, chưa có tính hệ thống và đồng bộ, còn thiếu.

chinh1.jpeg
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

Theo đại biểu Chính, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định các biện pháp xử lý đối với NCTN cũng chưa thực sự đầy đủ, chỉ có mấy biện pháp, chưa cụ thể và chưa chi tiết các hình phạt, biện pháp xử lý chưa phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của trẻ em, chưa phù hợp với đặc thù lứa tuổi, đặc điểm tâm sinh lý của các cháu.

"Nếu Luật Tư pháp người chưa thanh niên được ban hành sẽ tổng hợp được các quy định pháp luật hiện hành đang nằm rải rác và bổ sung thêm một số hình thức xử lý mới, hình thành hệ thống pháp luật đầy đủ, mang tính chất chuyên nghiệp, giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến NCTN phạm tội"- đại biểu Chính nêu.

Về việc tách vụ án, ông Chính cho rằng, hiện nay có nhiều quan điểm và đa số quan điểm cho rằng việc tách là hợp lý và cũng có một số quan điểm việc tách là chưa hợp lý.

"Tôi đồng tình với một số quan điểm phân tích việc tách là hợp lý. Khi tách thì các cháu không phải tham gia phiên tòa xét xử chung với người thành niên phạm tội, không phải lắng nghe và tiếp cận toàn bộ nội dung vụ án. Nếu tham gia tố tụng tại phiên tòa với người thành niên, vô hình chung các cháu bị ấn tượng bởi những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng là thành niên. Điều này có thể sẽ tác động ngược lại, gây tâm lý không có lợi và tiêu cực cho các cháu. Như vậy việc xét xử không đảm bảo được mục đích giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung"- ông Chính phân tích.

Ngoài ra, khi xét xử riêng, mọi thông tin được đảm bảo bí mật và sẽ giảm căng thẳng khi tham gia phiên tòa, qua đó không gây ra những ảnh hưởng tâm lý nặng nề, di chứng tinh thần hoặc trở thành những ám ảnh trong suốt cuộc đời.

"Thẩm phán là người có nghiệp vụ thấu hiểu tâm lý trẻ em và đưa ra những câu hỏi đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với tâm lý của trẻ. Về mặt pháp lý, nếu tách làm 2 vụ án khi xét xử có ảnh hưởng đến bản chất và kết quả vụ án không? Theo tôi là không"- ông Chính nêu rõ.

Trước việc, một số đại biểu phân vân việc tách vụ án có thể dẫn đến các cháu phải xét xử 2 lần. Theo đại biểu Chính, lời khai tại phiên tòa xét xử vụ án thứ nhất sẽ là chứng cứ, là căn cứ để xem xét sử dụng, đánh giá trong vụ án thứ hai.

"Các cháu không nhất thiết phải có mặt tại phiên tòa thứ hai, vẫn đảm bảo tính pháp lý, đảm bảo tính công bằng của pháp luật"- đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tách vụ án xét xử người chưa thành niên không ảnh hưởng đến bản chất vụ án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO