Sáng 21/6, với với 457/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Luật Lưu trữ (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 65 điều. Đáng chú ý, điều khoản chuyển tiếp (Điều 65) quy định trong thời hạn 5 năm, cơ quan, tổ chức đã xác định bí mật nhà nước có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với lưu trữ lịch sử thực hiện việc giải mật tài liệu đã nộp vào lưu trữ lịch sử theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều luật cũng quy định việc giải mật tài liệu lưu trữ trong trường hợp cơ quan xác định bí mật nhà nước không còn hoạt động.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ, UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về lưu trữ quyết định việc giải mật tài liệu lưu trữ trong trường hợp để đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế.
Người đứng đầu lưu trữ lịch sử thực hiện các hình thức xác định việc giải mật tài liệu lưu trữ trong trường hợp tài liệu không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước. Không thực hiện việc giải mật tài liệu lưu trữ trong trường hợp việc giải mật có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Về việc hủy tài liệu lưu trữ chứa bí mật nhà nước đã nộp vào lưu trữ lịch sử trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, điều luật quy định Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định hủy tài liệu tại lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở Trung ương. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định hủy tài liệu tại lưu trữ lịch sử của nhà nước ở cấp tỉnh.
Tài liệu lưu trữ chứa bí mật nhà nước được hủy trong trường hợp khi không cần thiết phải lưu giữ và việc hủy tài liệu không gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; nếu không hủy tài liệu sẽ gây nguy hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc. Việc hủy tài này phải bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.