Đời sống

Sửa đổi Luật Thủ đô: Yêu cầu cấp thiết để Hà Nội tăng tốc phát triển

Hồng Thái (KTĐT) 10/11/2023 - 06:24

Sau 10 năm đi vào cuộc sống, việc thực thi Luật Thủ đô 2012 còn nhiều vướng mắc, hạn chế, đòi hỏi phải sớm sửa đổi Luật phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để triển khai thi hành Luật.

Sửa đổi Luật Thủ đô để Hà Nội tăng tốc phát triển
Sửa đổi Luật Thủ đô để Hà Nội tăng tốc phát triển

Tuy nhiên, qua nhiều năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế. Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết.

Báo cáo về tình hình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (tháng 11/2022), Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, xuất phát từ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô, đặc biệt là các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng lớn trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và từ thực tiễn tổng kết thi hành Luật Thủ đô, TP Hà Nội đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, giúp Thủ đô phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và mong muốn của nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.

Tạo điều kiện để Thủ đô phát triển mạnh mẽ

Từ đề xuất của TP Hà Nội về việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, giúp Thủ đô phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh; tại Nghị quyết số 27/NQ-CP về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2023, Chính phủ cơ bản thống nhất với các chính sách trong văn bản đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ Tư pháp trình, về các chính sách cụ thể: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Cơ chế huy động nguồn lực, nâng cao năng lực tài chính - ngân sách cho phát triển của Thủ đô; Hoàn thiện các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; Cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; Cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và giáo dục, đào tạo Thủ đô; Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Cơ chế, chính sách phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.

Chính phủ đánh giá cao Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội và các bộ, cơ quan có liên quan, khẩn trương, trách nhiệm trong việc lập Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô. Việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 là rất cần thiết, nhằm xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá, tạo điều kiện để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, mạnh, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển, tạo động lực phát triển, tập trung các nguồn lực đầu tư mạnh cho Thủ đô.

Khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật bảo đảm các yêu cầu. Trong đó, tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, văn bản của các cơ quan có thẩm quyền khác có liên quan để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương này, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa Luật Thủ đô là cơ hội rất lớn để tạo lợi thế giúp Hà Nội phát triển, vươn lên tầm mới, vị thế mới của cả nước, khu vực và thế giới
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa Luật Thủ đô là cơ hội rất lớn để tạo lợi thế giúp Hà Nội phát triển, vươn lên tầm mới, vị thế mới của cả nước, khu vực và thế giới

Thể chế hóa các quan điểm mới nhất, trực tiếp nhất liên quan đến Hà Nội

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay. Mấu chốt là phân cấp, giao quyền mạnh hơn cho Thủ đô, nhưng phải có cơ chế tương ứng để Thủ đô thực hiện. Luật Thủ đô (sửa đổi) là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng để TP Hà Nội có thể bứt phá, góp phần đạt được mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra về phương hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 25/7/2023, tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa Luật Thủ đô là cơ hội rất lớn để tạo lợi thế giúp Hà Nội phát triển, vươn lên tầm mới, vị thế mới của cả nước, khu vực và thế giới.

“Luật Thủ đô (sửa đổi) phải được đặt trong tổng thể của hệ thống pháp luật. Việc quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô là rất cần thiết và có thể khác với các luật hiện hành về cùng một nội dung, một lĩnh vực, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với quy định của Hiến pháp và chủ trương của Đảng; xử lý tốt mối quan hệ giữa việc áp dụng Luật Thủ đô và các luật chuyên ngành sẽ được Quốc hội ban hành sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.

Lưu ý Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những đô thị đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định các vấn đề liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt, đồng thời thể chế hoá được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thủ đô. Dự thảo Luật phải giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay; trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, các dự án tồn đọng...

Dự thảo Luật phải cụ thể hóa được 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hộiquyết định khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

“Luật Thủ đô thực chất là một đạo luật về phân quyền. Vì vậy, các quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ngày 9/6/2023, Bộ Tư pháp đã đăng tải hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, nhân dân.

Ngày 4/7/2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 180/KH-UBND tổ chức lấy ý kiến góp ý Hồ sơ Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Ngày 13/7/2023, Bộ Tư pháp có Công văn gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô.

Ngày 7/9/2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 4430/QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác xây dựng, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp của lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia, cử tri vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Luật Thủ đô: Yêu cầu cấp thiết để Hà Nội tăng tốc phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO