Trong nước

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Giao quyền hạn vượt trội phải đi liền với trách nhiệm

L. Thanh 10/11/2023 - 06:22

Mới đây, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến của các nguyên lãnh đạo TP vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tán thành với nhiều nội dung của Dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị thống nhất quan điểm đi liền với quyền hạn vượt trội, Thủ đô phải gương mẫu, đi đầu trên mọi lĩnh vực.

1.jpeg
Toàn cảnh Hội nghị

Phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị

Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để TP tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Dự án xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới. Về mục tiêu, quan điểm xây dựng Luật, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế...

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012). Các quy định được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô đối với hoạt động quản lý điều hành các mặt của đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, bổ sung nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô nhằm giúp cho Luật giữ được hiệu lực áp dụng trong trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau có quy định khác với Luật Thủ đô.

Nêu 16 vấn đề cụ thể đề nghị các đại biểu cho ý kiến, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ mong muốn, với kiến thức sâu rộng, bề dày kinh nghiệm công tác và tình cảm đặc biệt với Thủ đô, các nguyên lãnh đạo TP sẽ đóng góp nhiều ý kiến quý báu, có giá trị thiết thực cả về lý luận và thực tiễn; giúp TP tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với những quy định đặc thù, vượt trội, hiệu lực, hiệu quả...

Góp ý tại Hội thảo, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô ở thời điểm này là chín muồi. TP đã đầu tư rất nhiều công sức, tâm huyết, trí tuệ để xây dựng hồ sơ Dự thảo Luật. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Nghị đề nghị hoàn thiện Dự thảo Luật theo hướng cô đọng, khái quát cao hơn nữa, trong đó cần tận dụng tối đa nội dung Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tăng tính bao trùm, khẳng định tính vượt trội

Ông Phạm Quang Nghị cũng đề nghị Dự thảo Luật cần có tính bao trùm, khái quát hơn, khẳng định tính vượt trội so với các luật khác. “Luật Thủ đô 2012 có quy định một số nội dung đặc thù cho Hà Nội về xử phạt hành chính, nhưng theo tôi là mới chỉ vượt, chứ chưa trội. Vì đối với Hà Nội, những vi phạm như trật tự xây dựng gây ra những hậu quả rất phức tạp, nặng nề. Nếu chỉ quy định cho phạt gấp 2 lần so với các địa phương khác thì người ta thấy vẫn rất có lợi nên sẵn sàng vi phạm” - ông Nghị nói; đồng thời kiến nghị cho phép Hà Nội quy định mức phạt gấp nhiều lần mức của các địa phương khác. Mục đích phạt nặng là để ít phải phạt, để người sau không dám vi phạm.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị tăng quyền hạn cho Chủ tịch UBND TP cao hơn Chủ tịch UBND các tỉnh, TP khác; tương tự là đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tại Hà Nội. Đi liền với quyền hạn là tăng trách nhiệm.

Nhận định Dự thảo Luật cần cô đọng hơn nữa, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị, để các quy định vượt trội phải thống nhất quan điểm: quyền hạn phải đi liền với trách nhiệm, chứ không phải đặc quyền, đặc lợi; đi liền với quyền hạn vượt trội, Thủ đô phải gương mẫu, đi đầu trên mọi mặt, mọi lĩnh vực. Theo ông Nguyễn Thế Thảo, từ thống nhất quan điểm như thế mới có thể mạnh dạn giao quyền hạn vượt trội cho Hà Nội. Về phân quyền cho Hà Nội, ông Thảo đề nghị tính toán, xem xét kỹ với từng đề xuất, căn cứ vào năng lực, khả năng thực hiện, các hệ quả liên quan...

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô tại thời điểm hiện nay, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, Dự thảo Luật lần này đã tập trung phân cấp, giao quyền cho Hà Nội, quy định trách nhiệm của TP và đưa được nhiều nội dung, văn bản mới nhất. Bà Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị sự vượt trội trong các cơ chế cho TP phải được thể hiện trong các điều, khoản của Dự thảo Luật, không phải ở việc dùng nhiều từ “vượt trội”.

Nguyên Chủ tịch HĐND, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Vương Văn Biện nhấn mạnh, đối với Thủ đô, môi trường phải được coi là quan trọng số 1 khi xét duyệt các chương trình, dự án. Vì vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải làm rõ được điều này; đồng thời, quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về xây dựng đô thị để khắc phục những bất cập hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Giao quyền hạn vượt trội phải đi liền với trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO