Sốp Cộp đón Xuân Giáp Thìn 2024 trong khí thế mới với hy vọng thêm nhiều thắng lợi mới vào dịp kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển. Hơn 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sốp Cộp luôn đoàn kết, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, xây dựng huyện phát triển trên tất cả các lĩnh vực.
Xuân mới, khí thế mới
Huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), mảnh đất phía Tây Bắc biên giới, tiếp giáp với nước bạn Lào, nơi quần tụ của 6 dân tộc Thái, Mường, Mông, Lào, Khơ Mú và dân tộc Kinh cùng sinh sống. Đến với Sốp Cộp vào mùa xuân có thể cảm nhận được một cách đầy đủ không gian đất trời khi thay màu áo mới. Mặc cho sương giá, mặc cho gió núi thổi suốt mùa đông, nhưng những cành đào, cành mận ở nơi đây vẫn không trễ hẹn với con người.
Cách đây 20 năm, ngày 02/12/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2003/NĐ-CP về thành lập huyện Sốp Cộp trên cơ sở tách ra từ huyện Sông Mã. Ngày 9/1/2004, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức lễ ra mắt huyện Sốp Cộp - huyện có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Hiện nay, huyện có 147.224 ha đất tự nhiên; gồm 8 xã (4 xã biên giới); dân số trên 54.400 người.
Khi mới thành lập, huyện còn bộn bề khó khăn, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng vừa thiếu vừa yếu, không có điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại, nhân dân không có nước sạch để sử dụng; đường giao thông chỉ là đường đất...; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%. Trong quá trình xây dựng và phát triển, huyện đã tranh thủ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển; xác định hướng đi, cách làm phù hợp với thực tế của địa phương. Tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân để tạo sự đồng thuận trong thực hiện.
Đến nay, toàn huyện có 2.218 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt 3.000 tấn quả/năm, chủ yếu là cam, quýt, tập trung ở các xã Nậm Lạnh, Mường Và. Ngoài ra, nhân dân các xã Mường Và, Sốp Cộp, Dồm Cang, Púng Bánh đang mở rộng diện tích trồng cây cà phê với tổng diện tích là 555,5 ha và triển khai trồng thí điểm cây mắc ca.
Tại Dồm Cang, xã đạt chuẩn nông thôn mới, cái khó khăn, nghèo đói dần nhường chỗ cho cuộc sống mới no đủ hơn. Sự thay da đổi thịt hiện diện ở vùng đất dọc tuyến biên giới nơi đây.
Ông Vì Văn Thích, ở bản Pặt Pháy, xã Dồm Cang, chia sẻ: “Những năm trở lại đây, gia đình và người dân trong bản đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng cây ngô sắn, sang trồng các loại cây ăn quả và cây cà phê, qua việc chuyển đổi thì kinh tế của gia đình từng bước ổn định, Tết năm nay đã đầm ấm và hạnh phúc hơn so với những năm trước đây”.
Hiện nay, huyện Sốp Cộp đã có 3 sản phẩm nông sản được công nhận sản phẩm OCOP: Gạo nếp tan Mường Và; Thịt trâu gác bếp biên cương và Viên hà thủ ô mật ong rừng. Trong đó, sản phẩm gạo nếp tan đã được công nhận Nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và - Sốp Cộp”. Sản lượng lương thực có hạt hằng năm đạt trên 23.200 tấn, cơ bản bảo đảm an ninh lương thực tại địa phương. Nhân dân bảo vệ tốt 69.779,8 ha rừng, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 47,4%. Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; bước đầu hình thành một số gia trại, trang trại chăn nuôi tập trung, với tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có trên 369.000 con.
Thắng lợi mới
Mùa xuân năm nay, đời sống nhân dân vùng biên Sốp Cộp lại có thêm nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng, đường giao thông đến trung tâm xã được bê tông hóa, thuận tiện hơn trong việc đi lại, người dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tất cả tạo nên một bức tranh đầy màu sắc, khi điện lưới quốc gia, nước sạch đã tới từng gia đình, hệ thống đường giao thông nông thôn dẫn về các bản, làng được đầu tư, cải tạo, nâng cấp; kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Hiện nay, từ trung tâm huyện đến 8 xã đã có đường ô tô đi được 4 mùa. Năm 2023, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện an toàn đạt 89,35%; 100% trụ sở làm việc, trạm y tế các xã đã được đầu tư xây dựng khang trang; trường lớp học xây dựng kiên cố, góp phần vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục.
Song song với sự phát triển kinh tế, đồng bào các dân tộc tại huyện biên giới cũng không quên giữ gìn những nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống. Công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm đúng mức. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hiện nay, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 79,9%; tỷ lệ bản văn hóa đạt 80%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 4-5%/năm. Đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Tổ chức, bộ máy của Đảng bộ và chính quyền được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến rõ rệt. Khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững và tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân, khu vực phòng thủ huyện được củng cố; an ninh biên giới và chủ quyền quốc gia được bảo vệ vững chắc.
Ở huyện biên giới cái Tết đã đến với bà con dân bản, nhưng đối với mỗi chiến sĩ bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Mường Lạn, đây cũng là lúc các cán bộ, chiến sĩ căng mình trên tuyến biên giới để người dân yên tâm vui Xuân, đón Tết. Ngoài công tác tuần tra đảm bảo an ninh đồn biên phòng Mường Lạn còn thường xuyên tổ chức các đoàn công tác đến các bản trên địa bàn để tặng quà và tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ qua đó cổ vũ, động viên thắt chặt hơn tình đoàn kết quân dân.
Tiết trời cuối đông nơi vùng cao vẫn còn đó những sự khắc nghiệt, nhưng những bông hoa đào nở bung mình khoe sắc thắm cùng với niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ trên từng gương mặt của đồng bào, tiếng cười, nói trong từng nếp nhà như hứa hẹn và mở ra những điều tốt đẹp trong tương lai cho những mùa xuân mới thật đẹp sau này trên vùng biên Sốp Cộp.