Công trình vi phạm trên sông Cà Lồ thuộc địa bàn xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) được cấp chính quyền xác định là vi phạm về đất đai (chứ không phải là vi phạm trong lĩnh vực thủy lợi, đê điều); không bị xử lý vi phạm hành chính và sau rất nhiều thời gian vi phạm, hiện nay công trình vẫn ngang nhiên tồn tại.
Công trình vi phạm được xác định do cá nhân ông Nguyễn Văn Nam (SN 1969, tại thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, TP Hà Nội) thực hiện. Sự việc này được chính quyền xã Thanh Xuân phát hiện từ đầu tháng 3/2024 và xác định phần diện tích vi phạm là 559m2, đã được xây dựng tường bao dài 330m, cao 1,7m (tính từ mặt đất tại vị trí xây dựng) bằng xi măng, tường cây được bổ bằng 17 cột bê tông cốt thép và phía trên tường có đổ giằng bê tông cốt thép, trong khu đất có đổ 6 cột bằng bê tông cốt thép.
Sau đó, UBND xã Thanh Xuân đã yêu cầu ông Nam dừng ngay hoạt động thi công, tự giác khắc phục, tháo dỡ toàn bộ hạng mục công trình vi phạm, trả lại hiện trạng. Đồng thời, báo cáo huyện và các phòng, đơn vị chuyên môn xin ý kiến xử lý. Tuy nhiên, các phòng, đơn vị chuyên môn của huyện Sóc Sơn không có văn bản hướng dẫn UBND xã Thanh Xuân về hành vi, phạm vi vi phạm đất đai, đê điều, thủy lợi để xử lý đối với công trình vi phạm này nên các lãnh đạo cấp phòng đã bị UBND huyện phê bình.
Tiếp đó, xã Thanh Xuân đã ra quyết định xử phạt hành chính với hành vi vi phạm của ông Nam, nhưng vì không đúng thẩm quyền nên đã được huyện Sóc Sơn chỉ đạo hủy quyết định xử phạt và yêu cầu xã kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân khi để xảy ra vi phạm trên địa bàn. Và phải rất lâu thì huyện Sóc Sơn mới xác định được vi phạm và ra quyết định xử lý vi phạm đối với trường hợp của ông Nam.
Cụ thể, ngày 29/7/2024, UBND huyện Sóc Sơn mới có Quyết định số 5776/QĐ-KPHQ “Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” đối với hành vi vi phạm của ông Nguyễn Văn Nam.
Tại quyết định này thể hiện địa điểm, công trình vi phạm của ông Nam tại thôn Đồi Cốc và yêu cầu ông Nam phải khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 14, Nghị định số 91/2029/NĐ-CP ngày 19/11/2029 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Hậu quả do vi phạm hành chính gây ra cần được khắc phục là “Chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn với diện tích 559m2”. Buộc ông Nam phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc phải trả lại đất đã lấn chiếm trong thời hạn 10 ngày (kể từ ngày ông Nam nhận được quyết định). Hết thời hạn (tính từ ngày ra quyết định số 5776 được ban hành và gửi tới ông Nam) mà ông Nam không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Tại quyết định này, UBND huyện Sóc Sơn nêu lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nam là do hết thời hạn theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 16 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Quyết định được giao cho xã Thanh Xuân gửi tới ông Nam và tổ chức thực hiện; giao phòng TN&MT, Đội Quản lý trật tự xây dựng, Công an huyện để biết và phối hợp thực hiện.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV thì đến ngày 19/9/2024, công trình vi phạm vẫn nguyên trạng. Công trình vi phạm đã tồn tại qua nhiều trận mưa, qua cơn bão số 3 (bão Yagi) trong tình trạng khi thì nước vơi, khi thì nước đầy, gây cản trở dòng chảy và sự an toàn trên sông, khu dân cư. Trên thực tế, trong trận bão số 3, nước sông Cà Lồ lên cao đến mức báo động và tại khu vực này, nước sông đã dâng lên và khiến khu dân cư bị ngập sâu...
Vì sao không xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nam được ông Nguyễn Văn Toàn (Trưởng phòng TN&MT huyện Sóc Sơn) lý giải là do xã đã xử phạt nhưng không đúng thẩm quyền, đến khi chuyển hồ sơ lên huyện thì hết thời hạn theo quy định của luật.
Câu hỏi đặt ra là, khi vi phạm diễn ra, xã xác định, ghi nhận, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vì không đúng thẩm quyền nên xã đã phải thu hồi quyết định xử phạt. Sau đó, ngay từ khi mới lập biên bản vi phạm, xã đã có báo cáo huyện, xin ý kiến các phòng/đơn vị chuyên môn cấp huyện nhưng không được kịp thời hướng dẫn xử lý, vì vậy mà xã đã ra quyết định trái thẩm quyền. Vậy, việc để hết thời hạn xử phạt vi phạm hành chính, ai là người phải chịu trách nhiệm?
Với nội dung được PV đề cập: Vị trí ông Nam xây dựng công trình, theo hiện trạng và ghi nhận thì lấn gần ra giữa lòng sông Cà Lồ nhưng không được xác định là vi phạm về thủy lợi, đê điều mà lại được xác định là vi phạm về đất đai. Vậy công trình ông Nam xây dựng vi phạm trên đất đó được xác định là đất gì, được quy hoạch là đất gì, do cá nhân/tổ chức/cấp chính quyền nào quản lý nhưng vẫn không nhận được phản hồi cụ thể.
Trước đó, thông tin về việc đã hết thời hạn phải xử lý vi phạm theo quyết định nhưng công trình vi phạm của ông Nam vẫn giữ nguyên, ông Chu Xuân Tân (Phó Chủ tịch xã Thanh Xuân) lại cho rằng, do nước đầy nên chưa thực hiện được. Ông Tân nói: Hình như ông Nam đang muốn có đơn gửi lên huyện xin được giữ nguyên hiện trạng. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn thì khẳng định: Hết thời hạn theo quyết định, xã sẽ có báo cáo, ông Nam không thực hiện thì phòng TN&MT sẽ ban hành quyết định cưỡng chế.
Tiếp đó, nhiều lần PV liên hệ với ông Toàn để cập nhật giải pháp xử lý vi phạm đã được thực hiện ra sao nhưng không nhận được sự phản hồi. Công trình vi phạm vẫn nguyên trạng.
Cũng tại địa bàn xã Thanh Xuân, PV tiếp nhận còn tiếp nhận thêm phản ánh về một công trình cũng có dấu hiệu vi phạm sông Cà Lồ (đối diện sân Nhà thờ Bến Cốc), đã được đổ cột bê tông, kè rộng ra phía lòng sông. PV đã chuyển thông tin phản ánh tới cấp chính quyền xã Thanh Xuân, lãnh đạo phòng TN&MT huyện Sóc Sơn. Với nội dung thông tin này, ông Tân (Phó Chủ tịch xã Thanh Xuân) cho rằng, công trình đã được xây dựng từ lâu và hình như đó là dự án kè chống sạt lở của huyện, nhưng ông Nguyễn Văn Toàn thì cho biết, sẽ kiểm tra lại và sẽ có sự phản hồi thông tin.