Năm 2023, tổng số ca mắc bệnh sởi trên toàn thế giới tăng 20%, nguyên nhân do không đủ độ phủ vắc-xin tại nhiều quốc gia.
Thứ năm ngày 14/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thông tin về việc tổng số ca mắc bệnh sởi trên toàn thế giới năm 2023 tăng 20%. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến con số này là tình trạng thiếu vắc-xin ở các quốc gia nghèo nhất thế giới và những nước đang xảy ra xung đột. Gần một nửa những đợt bùng phát bệnh sởi lớn xảy ra ở châu Phi. Châu lục này cũng ghi nhận lượng ca tử vong do sởi tăng 37%.
Bệnh sởi do một virus lây truyền qua không khí gây ra, chủ yếu gây ảnh hưởng tới trẻ dưới 5 tuổi, nhưng có thể phòng ngừa khi tiêm vắc-xin đủ 2 liều. Tuy vậy, theo thông tin từ WHO và CDC, độ phủ vắc-xin trên toàn cầu hiện nay “không đủ”.
Bà Natasha Crowsoft, cố vấn kỹ thuật cấp cao về bệnh sởi và rubella của WHO, cho biết: Ở thời điểm hiện tại, mọi quốc gia trên thế giới đều có vắc-xin phòng sởi, do vậy chẳng có lý do gì để trẻ bị mắc sởi, và không trẻ nào phải tử vong vì sởi.
Năm 2023, trên toàn thế giới có 10,3 triệu ca mắc sởi, trong khi con số này năm 2022 là 8,65 triệu ca. Trong đó, số ca tử vong do sởi giảm 8%, còn 107.500 ca nhờ sự cải thiện trong khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và vắc-xin tại các nước thu nhập cao, ví dụ như tại châu Âu.
Tuy số ca tử vong giảm, WHO và CDC vẫn đánh giá con số người chết do sởi trong báo cáo ở mức “không chấp nhận được”. Theo bà Natasha Crowsoft, nguyên nhân “lớn và áp đảo nhất” khiến số ca bệnh tăng đột biến là do vắc-xin không tiếp cận được trẻ em. Tuy nhiên, việc do dự không tiêm vắc-xin cũng góp phần gây ra sự gia tăng số ca bệnh.
Tình trạng do dự không tiêm vắc-xin tăng cao kể từ đại dịch COVID-19, do mọi người mất niềm tin vào tầm quan trọng của các loại vắc-xin tiêm chủng định kỳ đối với các bệnh như sởi và bại liệt.
WHO và CDC cho biết: Năm 2023, có 22 triệu trẻ không tiêm vắc-xin sởi mũi đầu. Cùng năm, có 57 quốc gia xuất hiện các đợt bùng phát bệnh sởi do xuất hiện khoảng trống trong độ phủ vắc-xin, tăng gần 60% so với con số 36 quốc gia năm 2022.
Theo báo cáo từ WHO và CDC, ngoài khu vực châu Phi, tại các khu vực Đông Địa Trung Hải, châu Âu, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương cũng ghi nhận số ca bệnh tăng đáng kể.