Sáng 9/7, đã diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35 về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) tới 15.644 điểm cầu trên toàn quốc với trên 1,28 triệu cán bộ, đảng viên tham dự.
Hội nghị đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Lê Minh Hưng quán triệt nội dung Chỉ thị số 35 về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trưởng Ban Lê Minh Hưng cho biết, để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư Đảng, trong mỗi nhiệm kỳ Đại hội, Bộ Chính trị đều ban hành Chỉ thị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng.
Trong Chỉ thị 35, Bộ Chính trị chỉ đạo, yêu cầu cần tiếp tục chấn chỉnh, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; đồng thời đặt ra 7 yêu cầu đối với công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Theo Chỉ thị, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp phải được các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy định, nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy các cấp.
Bộ Chính trị yêu cầu bảo đảm an toàn, thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân đối với Đảng.
Chỉ thị nhấn mạnh cần nâng cao chất lượng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp; tập trung lãnh đạo tổ chức thảo luận thật kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và đại hội đảng bộ cấp trên; dự báo được tình hình, xác định rõ thế mạnh, định hướng, trọng tâm phát triển gắn với chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội chung của khu vực và cả nước.
Đáng chú ý, Chỉ thị nhấn mạnh: cần có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không "bỏ sót" những người thật sự có đức, có tài; đồng thời, kiên quyết không để "lọt" vào cấp ủy khóa mới những người: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, "lợi ích nhóm", có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Về công tác nhân sự, theo Trưởng ban Lê Minh Hưng, Chỉ thị 35 bổ sung, cụ thể hóa quy định về thời gian giữ chức vụ đối với cán bộ được giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn theo Quy định 80 của Bộ Chính trị.
Cụ thể, cán bộ được giới thiệu để bầu tham gia cấp ủy, các chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội (chức vụ cao hơn), nhìn chung phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm (24 tháng). Trường hợp đặc biệt có thời gian giữ chức vụ ít nhất là 1 năm (12 tháng) do cấp ủy có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ xem xét, quyết định. Bộ Chính trị giao cấp ủy các cấp cụ thể hóa tiêu chuẩn cấp ủy cho phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030 và những năm tiếp theo.
Theo Chỉ thị, thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy (là thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp), cụ thể: Cấp cơ sở là tháng 4/2025; cấp huyện và tương đương (gồm tất cả đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Công an T.Ư) là tháng 6/2025; cấp trực thuộc T.Ư là tháng 9/2025.
Thời điểm tính độ tuổi tham gia chức danh lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH là tháng 5/2026. Thời điểm tính độ tuổi tham gia chức danh lãnh đạo MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là thời điểm đại hội ở các cấp của mỗi tổ chức.
Những đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải còn thời gian công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp; những đồng chí được giới thiệu tái cử cấp ủy phải còn thời gian công tác ít nhất từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho biết.
Cán bộ tái cử cấp ủy thì được tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội nhưng phải còn thời gian công tác ít nhất 18 tháng trở lên tại thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức. Các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII thực hiện quy định về độ tuổi tái cử theo Phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng.
Chỉ thị cũng nêu quy định cụ thể về cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ và phó bí thư cấp ủy. Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư Lê Minh Hưng, cơ cấu cấp ủy phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đối với những địa bàn, lĩnh vực quan trọng; coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy; quy định thống nhất những chức danh có cơ cấu "cứng" tham gia ban thường vụ, số chức danh còn lại do cấp ủy quyết định cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình đội ngũ cán bộ.
Chỉ thị yêu cầu, việc chuẩn bị nhân sự cần kết hợp hài hòa giữa nguồn nhân sự tại chỗ với việc điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi khác. Các địa phương, đơn vị có cơ cấu cấp ủy nhưng chưa chuẩn bị được nhân sự tại chỗ thì cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, điều động nhân sự từ nơi khác hoặc bổ sung sau đại hội.
Cơ bản thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương, gắn với việc sử dụng, bố trí hài hòa nguồn cán bộ tại chỗ trong quy hoạch; hoàn thành 100% ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện ở cấp xã và các chức danh khác.