Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra và một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là việc Quốc hội sẽ xem xét, quyết định cải cách tiền lương từ 1/7/2024.
Phát biểu thảo luận tại Quốc hội ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, kỳ họp này, nếu Quốc hội chính thức thông qua chính sách cải cách tiền lương thực hiện từ 1/7/2024 thì vừa mang tính lịch sử vừa mang tính thời sự và tạo ra một tâm trạng xã hội phấn khởi.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, để thực hiện cải cách chính sách tiền lương là một sự nỗ lực vượt bậc của tất cả các cấp, các địa phương trong thời gian qua, nếu không sẽ không có nguồn lực để cải cách tiền lương.
"Chúng ta đã nỗ lực, trong bối cảnh đất nước khó khăn, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đặc biệt trong việc nắm bắt tình hình diễn biến, giải quyết vấn đề trước mắt, tính cho chiến lược lâu dài", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.
Theo người đứng đầu ngành Nội vụ, cải cách chính sách tiền lương là một tư duy đột phá, hoàn toàn phù hợp với xu thế của thế giới hiện nay và phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó, chúng ta xác định trả lương theo vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo, quản lý. Đây là một vấn đề mới và thay thế hoàn toàn bảng lương theo hệ số lương đã tồn tại từ năm 2004.
"Từ khi thành lập nước đến nay, qua 4 lần cải cách tiền lương, nhưng chưa lần nào đồng bộ, toàn diện, căn bản như này. Chính sách tiền lương mới rất tiến bộ, công bằng, thực sự hài hòa và hợp lý", Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.
Thông tin về những điểm mới trong chính sách cải cách tiền lương đợt này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, cải cách chính sách tiền lương không những nhằm mục tiêu nâng cao được đời sống của người hưởng lương, mà còn nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
Một điểm rất mới là ở lần cải cách chính sách tiền lương này sẽ cơ cấu lại để tính tỷ lệ lương cơ bản, tính tỷ lệ cho phần phụ cấp và loại hết tất cả những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù.
Theo đó, sẽ chỉ còn lại bảng lương cơ bản và lương, phụ cấp; đồng thời bổ sung thêm 10% mức lương cơ bản để thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ là thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Điều này sẽ dẫn đến khoảng 36 các đơn vị, ngành không còn được hưởng lương đặc thù. "Nếu làm bảng lương chạy ngang thì có những cơ quan giảm sút khoảng 50%", Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cần hướng tới sự công bằng cho tất cả những người được hưởng lương công chức, viên chức. Khi cải cách tiền lương, ngành giáo dục, y tế sẽ thực hiện được mục tiêu tăng lương. Khi đó xã hội phấn khởi, viên chức, nhất là giáo viên, bác sĩ sẽ phấn khởi.
Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng lưu ý, nguồn lực chuẩn bị cải cách tiền lương mới thực hiện từ 1/7/2024, sau năm 2024 tiếp tục tăng 7% để bù trượt giá và chỉ đảm bảo đến năm 2026. Sau năm 2026 nếu không nỗ lực thì khó thực hiện tiếp chính sách tiền lương mới.
Để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo nguồn lực tài chính bền vững.
"Vì vậy, việc thu ngân sách như thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương cần phải quan tâm", Bộ trưởng lưu ý.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh đến một vấn đề "không thể làm khác được, đó là tiếp tục sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước".
Theo Bộ trưởng, số lượng công chức có thể khó tinh giản vì hiện nay đã giảm rất nhiều, sẽ có cơ chế tốt hơn để giảm số viên chức hưởng lương nhà nước, để có thêm nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương.