Quốc hội chính thức thông qua Luật Cảnh sát cơ động

D.T| 14/06/2022 09:20

BVCL - Sáng nay 14/6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Cảnh sát cơ động với 454/474 đại biểu tán thành (chiếm 91,16% tổng số đại biểu).

thumb_660_961c3943-e857-4b19-b17b-38c6802fecdf.jpg
Quốc hội chính thức thông qua Luật Cảnh sát cơ động

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, dự thảo Luật quy định vị trí của CSCĐ là lực lượng vũ trang thuộc Công an nhân dân, với chức năng là lực lượng “nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang” bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và được quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động trong dự thảo Luật. Đây chính là đặc thù và sự khác biệt của CSCĐ so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân.

Phạm vi, địa bàn hoạt động của CSCĐ trước hết phải theo quy định của Luật Công an nhân dân và được cụ thể hóa trong dự thảo Luật, đồng thời được phân định bởi các quy định của pháp luật có liên quan (như Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam).

Đối với các nhiệm vụ, quyền hạn do Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển chủ trì, CSCĐ sẽ chỉ phối hợp thực hiện khi được yêu cầu tham gia giải quyết vụ việc.

Trước ý  kiến đề nghị bổ sung quy định CSCĐ được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để thực hiện một số nhiệm vụ khác và ngăn chặn, trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật khác, sau khi cân nhắc, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “để chống khủng bố, giải cứu con tin” để rõ ràng hơn về phạm vi và mục đích vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân và thống nhất với nội dung của điều luật.

Liên quan đề xuất bổ sung quyền nổ súng vào tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, UBTVQH thấy rằng để thực hiện quyền “ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ” quy định tại khoản 3 Điều 10 của dự thảo Luật, CSCĐ có thể sử dụng các biện pháp, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại (phá sóng, chế áp điện tử…) mà không nhất thiết phải sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Quy định tại khoản này không bao gồm việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp cấp bách được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự; có ý kiến đề nghị không quy định quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự vì đây là hoạt động thường xuyên, không mang tính cấp bách.

UBTVQH cho rằng, thực tế khi triển khai các phương án, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, CSCĐ luôn bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể phát sinh những tình huống ngoài dự kiến mà cấp bách, cần thiết phải huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự thì CSCĐ mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thực tế có nhiều tình huống phức tạp, khó lường, ngoài dự báo. Do đó, nếu quy định cụ thể “trường hợp cấp bách” trong dự thảo Luật sẽ rất khó bao quát hết các tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về quyền huy động trong trường hợp cấp bách cũng không giải thích hoặc quy định cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội chính thức thông qua Luật Cảnh sát cơ động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO