Kinh tế

Quảng Ninh: Kiểm tra tiến độ thi công các dự án trọng điểm

Trần Khanh 13/08/2023 - 17:46

Ngày 12/8, Đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tiến độ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thi công các dự án, công trình trọng điểm.

Cùng với đó, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện đồng bộ khu công nghiệp (KCN) để đón các nhà đầu tư mới.

Đoàn công tác đã đi kiểm tra tiến độ triển khai dự án Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh; dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh; Cầu Cửa Lục 3; cải tạo, mở rộng Trường Cao đẳng Việt - Hàn; xây mới Trường THCS - THPT Quảng La (xã Quảng La, TP. Hạ Long). Đây đều là những dự án, công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

img-5023-1691849306.jpeg
Lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh nghe báo cáo tiến độ thi công Dự án Cầu Cửa Lục 3 (TP. Hạ Long).

Hiện nay, các dự án đang bước vào giai đoạn nước rút, hoàn thiện những khâu cuối cùng để đưa vào khai thác, hoạt động trong năm 2023. Trong quá trình kiểm tra, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã trực tiếp lắng nghe đơn vị nhà thầu báo cáo kết quả triển khai các hạng mục dự án, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện còn gặp phải.

Đồng thời, yêu cầu các nhà thầu tiếp tục tăng tốc thi công, huy động trang thiết bị máy móc kỹ thuật, tăng cường thêm nhân lực, tổ chức các phương án thi công hiệu quả, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.

Đặc biệt, phải đảm bảo các điều kiện để gắn biển đối với các công trình chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10.

Nhằm hoàn thiện hạ tầng KCN để thu hút đầu tư, Quảng Ninh xác định công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Hiện các KCN như Cái Lân, Hải Yên, Đông Mai, Việt Hưng, Texhong Hải Hà... đã cơ bản đầu tư đồng bộ hạ tầng, đang đáp ứng được các yêu cầu đối với các nhà đầu tư thứ cấp hoạt động, trở thành các trung tâm sản xuất, chế biến, chế tạo của tỉnh.

Các KCN như Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong đang tiếp tục trong giai đoạn hình thành hoàn thiện song hành với việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp, tăng tỷ lệ lấp đầy.

Điểm nhấn quan trọng là yếu tố nhà ở xã hội đã được quan tâm, triển khai xây dựng gắn kết với hoạt động cụ thể tại từng KCN, điều này tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm, gắn bó, phát triển mở rộng.

Để hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư triển khai các KCN, Quảng Ninh đã có nhiều chính sách song hành, từ việc tập trung tháo gỡ khó khăn trong quy hoạch, mở rộng phát triển đến công tác GPMB, bố trí nguồn vật liệu san lấp, hoàn thiện hệ thống cung cấp điện, nước phục vụ khai thác, phát triển các KCN.

Nhờ những giải pháp thiết thực, hiệu quả và sự hình thành nhanh chóng các KCN, những năm qua Quảng Ninh đón nhận sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư quốc tế, là những nhãn hàng uy tín, thương hiệu đẳng cấp trên thị trường đã đến tỉnh để triển khai xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất với quy mô ngày một mở rộng.

Tính đến tháng 6/2023, các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có gần 300 dự án đăng ký và triển khai đầu tư, trong đó có gần 100 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD.

Riêng 6 tháng đầu năm 2023,thu hút FDI đạt hơn 830 USD, đạt 83% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy (ít nhất 1,0 tỷ USD). Bước đầu, Quảng Ninh đã hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao (KCN Texhong - Hải Hà), chuỗi công nghiệp sản xuất ô tô (KCN Việt Hưng, Sông Khoai, Đông Mai, Bắc Tiền Phong), cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử (KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai).

Các doanh nghiệp trong KCN bước đầu có đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho gần 40.000 người lao động trong và ngoài tỉnh.

Cùng với đó, hạ tầng KCN được đầu tư xây dựng đồng bộ,kết nối giao thông thuận lợi góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Kiểm tra tiến độ thi công các dự án trọng điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO