Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Bộ Quốc phòng đã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó lực lượng quân đội luôn thể hiện vai trò xung kích, đi đầu, huy động “thần tốc” một lượng lớn phương tiện, trang bị, vật chất, quyết tâm cùng cả nước ngăn chặn, khống chế đại dịch.

than-toc-tren-moi-mat-tran(1).png

Từ khi có dịch đến nay đã có hàng trăm ngàn anh lính “Bộ đội Cụ Hồ” không quản hy sinh gian khổ, ăn gió nằm sương, kề vai sát cánh cùng đồng đội và các lực lượng khác kiên cường trên tuyến đầu chống dịch, ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 từ những vùng biên viễn xa xôi cho tới từng khóm ấp, khu phố,... Trước khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo, với sự chủ động Bộ Quốc phòng đã thành lập tổ công tác đặc biệt do một đồng chí Thứ trưởng làm trưởng đoàn vào thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại TPHCM để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quân đội và giúp đỡ, hỗ trợ chính quyền địa phương phòng chống dịch Covid-19.

image007.jpg
Bộ đội Biên phòng ngày đêm tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập nội địa nước ta

Ngay khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại TPHCM, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và thành lập Ban Chỉ huy lâm thời phòng thủ dân sự quân khu để lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị trong toàn quân khu thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Quân khu kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch Covid-19 tại các đơn vị trong toàn quân khu ở mức độ cao nhất.

Cùng với đó, quân khu đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh biên giới phối hợp với lực lượng biên phòng, cơ quan chức năng địa phương tổ chức 445 chốt liên ngành; tăng cường hàng nghìn bộ đội, dân quân phối hợp với bộ đội biên phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia trên địa bàn, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch. Đồng thời, lực lượng vũ trang Quân khu đã tổ chức gần 30.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tham gia phòng chống dịch tại 3.320 tổ, chốt, khu vực phong tỏa và các điểm cách ly trên địa bàn. Quân khu phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng thành lập 5 đội phun khử khuẩn, sẵn sàng cơ động tham gia khử khuẩn trên địa bàn.

photo-collage-3-(2).png

Quân khu đã chuẩn bị 311 điểm cách ly với khả năng tiếp nhận hơn 87.000 người; triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5 với quy mô 500 giường bệnh tại TP.HCM; Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B, quy mô 500 giường bệnh, đặt tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương). Quân khu chỉ đạo các bệnh viện quân y trực thuộc chuẩn bị 39 tổ phòng chống dịch với 156 cán bộ và 39 xe cứu thương, sẵn sàng triển khai khi có lệnh. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu đã tăng cường cho địa phương hàng trăm cán bộ, nhân viên, hỗ trợ tiêm vaccine; lấy mẫu xét nghiệm tại TP.HCM.

Các đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu sẵn sàng phương án nhường doanh trại, nơi ăn, ở, sinh hoạt để phục vụ nhiệm vụ cách ly khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, Quân khu đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo như: “Siêu thị 0 đồng”, “Cây ATM gạo”, “Hũ gạo tình thương”, “Bữa cơm nghĩa tình”, “Tủ cơm, cháo miễn phí”, “Tủ đồ dùng thiện nguyện”... để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị đã trích quỹ, huy động sản phẩm tăng gia sản xuất, vận động quân nhân tiết kiệm chi tiêu, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ nhân dân trong các khu cách ly, phong tỏa.

anh-2.png
Các đơn vị thuộc Quân khu 7 tổ chức “Gian hàng 0 đồng” phục vụ nhân dân vùng dịch

Vừa qua, Chính phủ đã phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc, có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, trong đó, Quân đội được Chính phủ tin tưởng giao đảm nhiệm nhiều công việc quan trọng.

Trong chiến dịch này, Bộ Quốc phòng được Chính phủ giao triển khai tổ chức Sở Chỉ huy Ban Chỉ đạo chiến dịch, Văn phòng điều hành chiến dịch; bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc, truyền dẫn, truyền hình trực tuyến; xây dựng hệ thống kho bảo quản vaccine; tiếp nhận, vận chuyển vaccine đến các điểm tiêm chủng tại các địa phương; xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu, thiết kế “Sổ sức khoẻ điện tử” để quản lý các thông tin về tiêm chủng như đăng ký tiêm chủng, nhật ký tiêm chủng, theo dõi sau tiêm…

Với sự chủ động, quyết liệt, đến nay, các cơ quan, đơn vị được giao tham gia chiến dịch đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng kế hoạch. Hiện nay, Học viện Quân y đã tham gia đánh giá thử nghiệm vaccine Nanocovax được sản xuất trong nước. Tiến độ thử nghiệm được triển khai nhanh sẽ góp phần quan trọng trong việc chủ động nguồn vaccine trong nước, tiến tới thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Ngoài ra, nhà máy sản xuất oxy của quân đội cũng được tăng cường sản xuất để phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19.

than-toc-tren-moi-mat-tran-1-(1).png

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP.HCM và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về công tác phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP.HCM và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân...

Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân Thành phố và các tỉnh, cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu “muôn hình vạn trạng” trong thực tiễn.

photo-collage-2-(1).png

Và thực tế những ngày qua, tại TP. HCM và các tỉnh phía nam, lực lượng quân đội đang rất nỗ lực hỗ trợ các địa phương chống dịch với rất nhiều nhiệm vụ khác nhau. Từ việc tham gia tại các chốt kiểm soát, siết chặt giãn cách xã hội cho đến đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ dân để phát lương thực, thực phẩm, túi an sinh, đi chợ, đi siêu thị, đi mua thuốc hộ người dân… ở đâu cũng bắt gặp hình ảnh anh lính “Bộ đội Cụ Hồ” nỗ lực cùng các lực lượng và nhân dân miền Nam chống dịch.

photo-collage.png

Ngoài những nhiệm vụ kể trên, lực lượng quân đội còn được giao nhiệm vụ đặc biệt khác đó là lo hậu sự cho những người bệnh qua đời vì Covid-19. Hiểu được nỗi đau của các gia đình có người thân vừa qua đời, sự bất lực không thể làm được những việc mà trong hoàn cảnh bình thường vẫn làm được, lực lượng quân đội cố gắng chăm lo để công việc lo hậu sự rất đặc biệt này được thực hiện ấm áp, trang trọng. Lực lượng quân đội đã đưa tro cốt những bệnh nhân tử vong vì Covid-19 về tận nhà, coi công việc này như chính công việc của nhà mình.

photo-collage-1-.png

Hằng ngày lực lượng quân đội nhận được rất nhiều tin nhắn, lời cảm ơn chân thành của các gia đình không may có người thân mất vì Covid-19, họ chia sẻ được an ủi phần nào trong mất mát tột cùng khi đón nhận sự chăm lo của quân đội. Để hỗ trợ thêm cho các lò hỏa táng hiện có của địa phương, quân đội đang sản xuất thử nghiệm để đưa vào hoạt động lò hỏa táng cơ động.

Thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của Quân đội vẫn là duy trì, giữ vững chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Cùng với tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ trên, các cơ quan, đơn vị toàn quân sẽ tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn, quyết tâm khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt, là điểm tựa tin cậy, vững chắc của chính quyền, nhân dân cả nước trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Nội dung, kỹ thuật đồ họa: Thu Trang

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quân đội thần tốc, xung kích, quyết tâm cùng nhân dân ngăn chặn đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO