Khác với các phiên tòa xét xử thông thường, các bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng ở phòng xét xử thân thiện đều ngồi theo hình thức bàn tròn, vừa trình bày, vừa trò chuyện.
Đây là một trong những dấu ấn nhân văn trong tiến trình cải cách tư pháp, góp phần bảo vệ, chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng.
Phù hợp với nguyên tắc tố tụng thân thiện
Nằm trong chiến lược cải cách tư pháp và thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị trong đó xác định “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử”, từ năm 2017 TANDTC đã xây dựng mô hình phòng xử án với những quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu và mục tiêu mà chiến lược cải cách tư pháp đã đề ra.
Theo đó, đối với các vụ, việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.
Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Song Mai, Trưởng phòng Phòng Hình sự, hành chính, gia đình và người chưa thành niên Vụ Pháp chế và Quản lý Khoa học TANDTC cho hay, các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên mang tính tình cảm gia đình, người chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, khi các em tham gia vào quy trình tố tụng tại Tòa án đều cảm thấy lo sợ, dễ bị tổn thương. Do đó, việc tham gia phiên tòa của người chưa thành niên, cần có cách tiếp cận riêng biệt, có cơ chế đặc thù, trước hết là thể hiện qua hình thức phòng xử án.
Về sự khác biệt so với các phòng xét xử khác, đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC cho biết: Phòng xét xử thân thiện được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn, tường trong phòng xử án có màu xanh, bàn, ghế thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng.
Người chưa thành niên tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. “Phòng xử án được bố trí như vậy để giảm không khí căng thẳng, tránh các biến động về tâm lý, phù hợp với lứa tuổi của người chưa thành niên và phù hợp với nguyên tắc “tố tụng thân thiện” mà Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định”.
Bà Mai cũng cho biết việc tổ chức phòng xử án thân thiện là một trong những dấu ấn nhân văn trong tiến trình cải cách tư pháp, là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng; chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của người chưa thành niên, đặc biệt là người chưa thành niên trong hoạt động tư pháp.
Chung quan điểm, Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Ủy viên BCH Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng khẳng định, phòng xét xử thân thiện đối với người chưa thành niên là rất cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích của người chưa thành niên, bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo cho rằng, cùng với việc bố trí phòng xử thân thiện thì người tiến hành tố tụng phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi. Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại cũng cần được đào tạo hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu đảm bảo lợi ích cho trẻ em, người dưới 18 tuổi.
Cần quan tâm bố trí nguồn kinh phí
Kể từ năm 2017 cho đến nay, trên toàn hệ thống Tòa án đã tổ chức được 40 Tòa gia đình và người chưa thành niên tại 38 TAND cấp tỉnh, 2 TAND cấp cao. Theo kết quả tổng kết, hiện nay có 51,7% Toà gia đình và người chưa thành niên bố trí được phòng xử án thân thiện. Còn lại đối với một số Tòa án đã tổ chức hoặc chưa tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên chủ yếu sử dụng các phòng xử án khác để xét xử cả các vụ án có người chưa thành niên tham gia tố tụng.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo cho biết: Tòa Gia đình và người chưa thành niên hiện nay mới chỉ có ở TP Hà Nội, TP.HCM và 1 số thành phố lớn, còn nhiều tỉnh thành khác, đặc biệt Tòa cấp quận, huyện vẫn chưa có phòng xử án thân thiện dành cho người chưa thành niên.
Chỉ ra nguyên nhân hiện nay chưa thể triển khai đồng bộ Phòng xét xử thân thiện trên cả nước, đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nhận định: Do Tòa Gia đình và người chưa thành niên là Tòa chuyên trách trực thuộc các TAND, do vậy kinh phí sử dụng theo sự phân bổ chung cho TAND mà chưa được bố trí từ nguồn kinh phí riêng biệt.
Được thành lập từ tháng 4/2019 nhưng đến tháng 1/2023, Tòa Gia đình và người chưa thành niên thuộc TAND TP Hải Phòng mới có trụ sở riêng. Tòa nhà có 5 tầng với 1 phòng xử án, 1 phòng nghị án, 1 phòng tâm lý trẻ em, 1 phòng vui chơi trẻ em, 4 phòng làm việc và 2 tầng sử dụng làm lưu trữ.
Theo Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng Phạm Văn Phích, phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi. Các vụ án được đưa ra xét xử đều đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được dư luận và nhân dân ủng hộ đồng thời thông qua công tác xét xử vừa tuyên truyền, giáo dục, vừa trừng trị những kẻ chủ mưu, lôi kéo, cầm đầu, rủ rê, kích động người khác.
Thời gian tới, để công tác này tiếp tục đạt hiệu quả, Lãnh đạo TAND TP Hải Phòng cho rằng, cần thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Tòa án những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện.
Khi thụ lý giải quyết những vụ án liên quan đến trẻ em và người từ 16 đến dưới 18 tuổi, Thẩm phán, Thư ký cần chú trọng quan tâm đến tư cách tham gia tố tụng của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ; thực hiện tốt Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư để cử luật sư, trợ giúp viên pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho họ tại các giai đoạn tố tụng. Nâng cao vai trò của Đoàn thanh niên, nhà trường khi tham gia xét xử các vụ án đối với bị cáo từ 16 đến dưới 18 tuổi.
Cùng với đó, TAND TP Hải Phòng cũng đề nghị TANDTC và TP Hải Phòng quan tâm tạo điều kiện hơn về kinh phí, trang thiết bị để mô hình Phòng xử án thân thiện đi vào hoạt động hiệu quả. Đối với TAND cấp huyện cũng cần có sự quan tâm đầu tư để TAND cấp huyện khi xét xử các vụ án có bị cáo, bị hại là người chưa thành niên được đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho họ, thực hiện tốt nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội.