Bất động sản

Phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững

Thái Đoàn 05/08/2023 - 18:45

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, về “Một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”.

Giá BĐS có xu hướng giảm và giao dịch thấp

Trong quý II/2023, nguồn cung BĐS, nhà ở vẫn hạn chế hoàn thành. Có 7 dự án với 2.424 căn (852 căn hộ; 1.572 căn nhà ở riêng lẻ), số lượng dự án chỉ bằng khoảng 50% so với quý I/2023 và bằng khoảng 29.17% so với quý II/2022, việc triển khai bị chậm hoặc bị dừng hẳn do nhiều dự án gặp khó khăn vướng mắc về pháp lý, về nguồn vốn….

Theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo (58/63 tỉnh), trong quý II/2023, có 96.977 giao dịch thành công, trong đó: lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ: có 29.725 giao dịch thành công và bằng khoảng 75,61% so với quý I/2023, bằng khoảng 43,03% so với quý II/2022; lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền với 67.525 giao dịch thành công và bằng khoảng 99,98% so với quý I/2023, bằng khoảng 31,57% so với quý II/2022.  

Tuy vậy, giá giao dịch chung cư mới ở một số thành phố lớn như: Hà Nội và TP.HCM được đánh giá là có những khu vực tăng cao dù thị trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại; giá bán BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên mức độ giảm không nhiều như thời điểm cuối năm trước do các chi phí vốn hiện nay vẫn ở mức cao.

Giá bán của phân khúc biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý tiếp tục có xu hướng giảm khoảng 2% đến 5% so với quý trước (cá biệt có dự án như Vinhomes Ocean Park 3 sản phẩm liền kề shophouse của dự án được rao bán giảm khoảng 10%-15 % số với giá gốc) và có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư của sản phẩm và hạ tầng khu vực trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31/5/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 925.796 tỷ đồng, cơ cấu, tín dụng vào kinh doanh BĐS trong 5 tháng đầu năm tăng 14%.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đối với lĩnh vực BĐS trong quý II năm 2023 có sự biến động đáng kể vào tháng 6/2023 với 13 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 8.170 tỷ đồng với mức lãi cao so với mặt bằng chung 12-14%, tăng mạnh so với tháng 5/2023, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành thành công với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng (nguồn Hiệp Hội thị trường trái phiếu Việt Nam).

Về nguồn vốn FDI đầu tư vào các ngành nghề kinh tế đều giảm nhẹ, riêng BĐS ghi nhận giảm sút mạnh nhất, với tổng vốn đăng ký là 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước, mất vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các tổ chức kinh tế thì Việt Nam vẫn là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có lượng FDI vào các ngành và lĩnh vực bất động sản (nguồn Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT).

Tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS

Trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm giải quyết, với nhiều biện pháp, để giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS.

bds.jpg
Trong  quý II/2023, giá  BĐS có xu hướng giảm và giao dịch thấp

Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ban hành ngày 11/3/2023 của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp” và triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc thanh toán trái phiếu doanh nghiệp, như: Văn bản số 5002/BTC-TCNH ngày 17/5/2023 và Văn bản số 5003/BTC-TCNH ngày 17/5/2023 yêu cầu các doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn và doanh nghiệp chậm thanh toán nợ lãi, gốc trái phiếu có trách nhiệm thanh toán đầy đủ và đúng hạn đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật…

Còn UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP, đặc biệt một số địa phương đã ban hành Chỉ thị, Kế hoạch để triển khai thực hiện, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị triển khai, chủ trì triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Theo đó, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện quán triệt, phổ biến sâu rộng các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động; đồng thời xác định việc tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào, cơ quan nào thì cấp đó, cơ quan đó phải giải quyết dứt điểm”.

Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ tại các công điện, thông báo, kết luận…các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ đều đã đang tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, như: hoàn thiện thể chế pháp luật; rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; về nguồn vốn tín dụng; về trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng thời, phải quán triệt đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết; chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết.

Nhiều giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ để hoàn thiện trình Quốc hội ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) theo đúng kế hoạch, trong đó tiếp tục kiến nghị với Quốc hội, đối với chính sách về nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực sớm (dự kiến sau 45 ngày) sau khi Luật được Quốc hội thông qua.

Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn về pháp lý để tạo nguồn cung; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản đối với những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền…

Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” để tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người lao động có nhu nhập thấp có thể tiếp cận.

Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP  ngày 11/3/2023 của Chính phủ và gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế.

2bds.jpg
Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp”

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chắc chắn, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm thanh khoản và an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng; điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp, của dự án bất động sản để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; có giải pháp, biện pháp để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn.

Ngoài ra các Bộ, ngành cần hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội khu vực đô thị nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị trường. Rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức, doang nghiệp phát hành trái phiếu, trong đó có nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023, năm 2024.

Riêng, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị; kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Rút ngắn thời gian và đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo thẩm quyền; quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, thẩm định, phê duyệt dự án nhà ở, trong đó có dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bên cạnh đó cần khẩn trương hoàn thành việc ban hành các quy định cụ thể theo thẩm quyền để triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và các pháp luật khác, theo trình tự thủ tục rút gọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO