Kinh tế

Phát huy điểm sáng, Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu 2024 và khát vọng phát triển

Ý Thơ 11/04/2024 - 10:17

TS. Võ Trí Thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (nguyên Phó Viện trưởng CIEM) đã chỉ ra những “điểm sáng” tạo điều kiện giúp kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6,0% - 6,5% mà Quốc hội đề ra cho năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thưa ông, các chuyên gia đánh giá mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra là có thể đạt được do xuất hiện nhiều điểm sáng. Theo ông, những "điểm sáng" mà chúng ta có thể nhìn thấy là gì?

TS. Võ Trí Thành: Có thể nói kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó khăn, phức tạp, với 3 chữ “bất”: Bất ổn, bất định, bất thường, gắn với căng thẳng cạnh tranh, xung đột địa - chính trị, sự phân mảnh kinh tế, công nghệ, và thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch gập ghềnh, trắc trở.

vo-tri-thanh2.jpg
TS. Võ Trí Thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (nguyên Phó Viện trưởng CIEM)

Điều này cũng có thể thấy qua con số tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Năm 2020 và 2021, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP rất thấp, tương ứng là 2,91% và 2,58%. Năm 2022, kinh tế phục hồi đáng kể với tăng trưởng lên tới 8,02%, song nhiều khó khăn đã ập đến từ nửa cuối năm. Năm 2023, GDP của Việt Nam chỉ tăng 5,05%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra là 6,0% - 6,5%.

Năm 2024, Việt Nam, một nền kinh tế rất mở, vẫn phái đổi mặt không ít khó khăn, thách thức, nhưng phần lớn các dự báo đều cho thấy sự phục hồi sẽ tích cực hơn, tăng trưởng có thể đạt trong khoảng từ trên 5,5% đến thậm chí trên 6,5%, và như vậy cũng khá phù hợp với mục tiêu Quốc hội đã đặt ra.

Có nhiều lý do đằng sau các con số này. Thứ nhất, bối cảnh thế giới dù còn khó nhưng đã có những tín hiệu, những chuyển biến “dễ thở” hơn. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024, theo nhiều dự báo, có thể cao hơn hoặc thấp hơn một chút so với năm 2023, nhưng khả năng rơi vào suy thoái là thấp, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…- những đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Tiếp nữa là các điều kiện tài chính tiền tệ. Lạm phát trên thế giới đã giảm đáng kể trong năm 2023 từ mức đỉnh cuối năm 2022, và được dự báo tiếp tục giảm trong năm 2024. Nhờ tín hiệu tích cực này mà ngân hàng trung ương của những đồng tiền chủ chốt như USD, Euro… dừng tăng lãi suất và khả năng sẽ giảm dần từ giữa năm 2024. Áp lực về lãi suất, tỷ giá lên chính sách tiền tệ của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, sẽ giảm, từ đó ít nhiều tạo thêm dư địa linh hoạt chính sách vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ, trong hỗ trợ cho quá trình phục hồi.

Còn Việt Nam, về cơ bản vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có 4 lần hạ lãi suất; cùng với đó lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại cũng giảm khá nhiều. Ngân hàng Nhà nước cam kết giữ nguyên chính sách lãi suất hiện tại ít nhất đến giữa năm 2024 cùng với tiếp tục đòi hỏi các ngân hàng thương mại giảm giảm tiếp lãi suất cho vay. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sau sang chấn năm 2023 cũng đã có chuyển biến ổn hơn dù chưa được như kỳ vọng.

ngan-hang-2.jpeg
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có 4 lần hạ lãi suất. Ảnh minh họa

Những yếu tố tích cực cũng có thể thấy trong kinh tế thực. Công nghiệp chế biến chế tạo đã xuất hiện nhiều dấu hiệu phục hồi; cụ thể, từ mức tăng trưởng -0,4% quý I/2023 lên 3,6% cả năm 2023; riêng 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,9%. Chỉ số PMI gần như tất cả tháng năm 2023 (trừ tháng 2 và tháng 8) đều thấp hơn 50, nhưng 2 tháng đầu năm 2024 đều đã vượt 50. Đi cùng đó là xuất khẩu. Từ mức tăng trưởng âm rất lớn (-11,9% quý I/2023) chỉ còn -4,4% cho cả năm 2023 và trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng tới 19,2%.

Bên cạnh yếu tố sản xuất - xuất khẩu, đầu tư nước ngoài FDI và đầu tư công cũng đã có thành tích đáng chú ý. Cụ thể, tiếp tục đà tăng năm 2023, cả mức cam kết và giải ngân FDI tăng rất mạnh trong hai tháng đầu năm 2024. Cam kết và thực hiện FDI năm 2023 là 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% và 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%; các con số tương ứng hai tháng đầu năm 2024 là 4,3 tỷ USD, tăng 38,6% và 2,8 tỷ USD, tăng 9,8%.

Về đầu tư công, năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt con số khá bất ngờ: 676.000 tỷ VNĐ, bằng 95% kế hoạch, cao hơn 146.000 tỷ VNĐ so năm 2022. Đến năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ ngay từ 2 tháng đầu năm; nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 9,13%, tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Nhìn chung bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng, những điểm khó có xu hướng chuyển biến tích cực hơn, nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, niềm tin thị trường vẫn là yếu tố quan ngại.

Vậy ngoài những điểm sáng vừa nhắc tới, theo ông có những "chướng ngại vật” nào mà chúng ta cần vượt qua để kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra?

TS. Võ Trí Thành: Ngoài những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam mà chúng ta đã thấy, vẫn còn những điểm nghẽn, những khó khăn mà chúng ta cần tháo gỡ.

Trước hết cần phải kể đến một vấn đề lớn vẫn đang tồn tại, là niềm tin của thị trường và nhà đầu tư. Trong năm 2023, đầu tư tư nhân chững lại. Không chỉ vậy, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 02/2024 vẫn ở mức âm (-1,1%). Hơn nữa, thị trường bất động sản có "nhích" (giao dịch và thanh khoản) nhưng nhìn chung chưa phục hồi rõ. Đặc biệt, một động lực để duy trì đà tăng trưởng là tiêu dùng có mức tăng thực ngày càng giảm. Cả năm 2023, tổng mức bán lẻ tăng 7,1%, giảm đáng kể so với mức tăng 10,4 quý I/2023; con số này 2 tháng đầu năm 2024 còn khoảng 5,0%. Lưu ý rằng, mức tăng tiêu dùng đạt được cũng phần nào đến từ nguồn du khách nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh.

Liên quan đến việc phục hồi niềm tin, đã có nhóm chính sách khác nhau. Trước hết là nhóm chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở mức tương đối thấp cùng nỗ lực tạo sự lành mạnh trong vận hành của hệ thống tài chính - ngân hàng và thị trường bất động sản (như tháo gỡ vướng mắc pháp lý, quy trình thủ tục; hỗ trợ tài chính, tiền tệ; tái cấu trúc doanh nghiệp).

Thứ nữa là nhóm chính sách chúng ta đã làm rất mạnh và năm 2024 tiếp tục được thực hiện là kích cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) cùng hỗ trợ doanh nghiệp qua chính sách tài khóa, tiền tệ (như hoãn, giảm thuế, phí; khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay).

Cần lưu ý rằng, dù đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là nằm trong khả năng, thì việc đạt được mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025 vẫn rất khó khăn (tăng trưởng 2024 và 2025 phải trên khá nhiều 8%/năm - con số rất cao trong điều kiện hiện nay).

kinh-te-viet-nam-dat-muc-tieu-tang-truong.jpeg
Quốc hội thống nhất đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6-6,5%. Ảnh minh họa

Một số ý kiến cho rằng, để kinh tế Việt Nam “cất cánh”, cần có chính sách dài hạn hơn, còn không thì chỉ có thể vượt khó trong ngắn hạn. Là một chuyên gia kinh tế, ông có những kiến nghị cụ thể nào?

TS. Võ Trí Thành: Kinh tế Việt Nam đã vượt qua những thời điểm khó khăn nhất. Nhưng chính sách vẫn phải ứng phó và xử lý với không ít vấn đề trước mắt. Đồng thời, để bứt phá, đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao, có công nghiệp hiện đại vào năm 2030 (chưa nói tới khát vọng thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045), chúng ta cần tạo ra những nền tảng cho phát triển trong dài hạn, sớm hành động, để trong tương lai bớt đi những nhọc nhằn phải đối mặt trong ngắn hạn. Đó là tầm nhìn chiến lược, là những đột phá về thể chế (hoàn thiện khung khổ pháp lý truyền thống và theo đòi hỏi mới, và quản trị nhà nước); phát triển hạ tầng (cả hạ tầng cứng và mềm); phát triển nguồn nhân lực (có kỹ năng và chất lượng cao).

Cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu, cần đẩy mạnh công cuộc tái cấu trúc kinh tế, hướng tới khu vực doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, hệ thống tài chính - ngân hàng và phát triển khu vực tư nhân (cả doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng hỗ trợ thích hợp các doanh nghiệp lớn).

Điểm nữa chúng ta cũng đã nói nhiều là chuyển đổi cách thức tăng trưởng, dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bắt nhịp với những xu hướng mới, đòi hỏi “xanh” hơn, “số” hơn, và cả sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu gắn với lựa chọn đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới. Việt Nam đang có cơ hội lớn trong thu hút "đại bàng tới làm tổ", đầu tư chất lượng, tạo lan tỏa tốt cả về công nghệ, kỹ năng đến các doanh nghiệp nội địa.

Chúng ta có khát vọng thì cần phải có niềm tin. Thời gian không chờ đợi, Việt Nam cần tận dụng thời gian. Cái thuận là chúng ta đã nhìn thấy vấn đề để vượt khó trước mắt và những nền tảng bứt phá phát triển cho những năm tiếp theo. Chúng ta cũng đã có sự hợp tác quốc tế, đã nỗ lực và tôi tin rằng nếu chúng ta quyết tâm thì hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu đề ra.

Ở một số hội thảo quốc tế, khi nói chuyện với các chuyên gia về một số mục tiêu phát triển trong dài hạn của Việt Nam (như trong sơ đồ điện VIII và phát thải ròng bằng 0 năm 2050); tôi thường hỏi: “Việt Nam khát vọng thế, ông/bà tin Việt Nam có thể làm được không?”, Và câu trả lời tôi nhận được là: “Việt Nam có thể, nhưng có điều kiện”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy điểm sáng, Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu 2024 và khát vọng phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO