Nông nghiệp huyện Tứ Kỳ tìm bứt phá

Tiến Thành| 08/11/2022 16:25

BVCL - Phát huy lợi thế sẵn có, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã xây dựng mô hình nông nghiệp đặc trưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân. Đồng thời, hướng tới một nền kinh tế nông nghiệp đa tầng, đa giá trị, dựa trên tiềm năng lợi thế riêng, khác biệt về lĩnh vực nông nghiệp.

1(4).jpg
Lãnh đạo huyện Tứ Kỳ định hướng cho nông dân trồng chuối theo hướng hữu cơ, VietGAP…

Nông nghiệp đa sắc màu

Là một trong những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh Hải Dương, huyện Tứ Kỳ đã đi đầu trong tỉnh về nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ của tỉnh được đầu tư cả về quy mô và diện tích. Huyện có 6 vùng sản xuất hữu cơ với tổng diện tích 238 ha. Diện tích nhà màng, nhà lưới đạt 13.800 m2. Tứ Kỳ đã xây dựng được 160 vùng lúa tập trung, 65 vùng chuyên canh rau màu; 66 vùng sản xuất thủy sản tập trung với diện tích 1.300 ha và có trên 200 ha ao nổi. Huyện có 8 xã dọc triền đê sông Thái Bình và sông Luộc đang canh tác rươi, cáy kết hợp trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Chăn nuôi gia cầm của huyện đứng thứ 2 toàn tỉnh… Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đến nay, huyện đã có 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 4 sao; 137ha lúa, chuối, cây ăn quả, rau tại An Thanh được chứng nhận hữu cơ, sản lượng 1.182 tấn/năm; trên 20 ha rau quả được chứng nhận VietGAP, 10 ha chuối thâm canh cao được chứng nhận GlobalGAP, trên 100ha sản xuất thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, địa phương đang đầu tư phát triển chuối tiêu hồng, định hướng xuất khẩu. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tứ Kỳ, toàn huyện có khoảng 700 ha chuối được trồng ở 10 xã, trong đó trồng nhiều ở các xã như Hà Thanh, An Thanh, Đại Sơn, Chí Minh, Phượng Kỳ, Tiên Động, Nguyên Giáp. Huyện có 137 ha trồng chuối ngoài bãi ở xã An Thanh đạt chứng nhận hữu cơ và 10 ha ở xã Hà Thanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thời gian đầu, một số hộ trồng tự phát, tới nay nông dân Tứ Kỳ đã trồng chuối chuyên nghiệp, quy mô lớn ở nhiều nơi. Việc trồng loại cây này không mất quá nhiều công sức, lại cho thu hoạch ngay trong năm đầu nên diện tích trồng chuối ngày càng được mở rộng. Gần đây quả chuối của Tứ Kỳ qua tư thương theo đường tiểu ngạch bán sang Trung Quốc nhưng giá không cao.

Trước thực trạng trên, thời gian gần đây các cơ quan chuyên môn của huyện Tứ Kỳ đã định hướng cho nông dân trồng chuối theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP để tiêu thụ thuận lợi hơn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Đặng Hồng Thái, thôn Tri Lễ, xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ cho biết: “Trồng chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là theo hướng hữu cơ, quả đều, mẫu mã đẹp, vị ngọt thanh nên rất nhiều thương lái đến thu mua. Nhưng thực tế hiện nay giá bán chuối đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn không cao hơn nhiều so với chuối canh tác theo truyền thống. Điều này không hấp dẫn được nông dân tập trung trồng, chăm sóc để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”.

Do đó, nông dân các vùng trồng chuối ở huyện Tứ Kỳ rất mong được chính quyền địa phương đầu tư, tạo điều kiện để xây dựng hoặc thu hút các doanh nghiệp đầu tư sơ chế, chế biến chuối xuất khẩu ngay tại vùng nguyên liệu. Cơ quan chức năng của tỉnh cần hỗ trợ nông dân tìm hướng xuất khẩu chuối.

Tái cơ cấu bền vững

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trong chuyến thăm và làm việc tại huyện Tứ Kỳ hồi tháng 6 vừa qua đã nhấn mạnh: Sản phẩm của Hải Dương đã tốt nhưng cần phải nghiên cứu đến việc tối ưu hóa được sự tiện ích cho người tiêu dùng, tránh khoác lên mình sự lỉnh kỉnh, rườm rà, bất tiện... Bởi lẽ, sản phẩm càng tiện ích, người tiêu dùng càng ưa chuộng, từ đó thuận lợi tiêu thụ, giá bán ở mức cao. Bên cạnh đó, phải luôn trăn trở trả lời câu hỏi: Còn cách nào để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nữa hay không hay là bằng lòng với hiện tại? Tỉnh Hải Dương, phải đặt hàng các nhà khoa học tham gia cùng trả lời câu hỏi này.

Theo Bộ trưởng, trong thời đại ngày nay, sản xuất nông nghiệp không nên đánh đổi môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, sức khỏe cộng đồng, niềm tin của người tiêu dùng để đạt lợi ích riêng. Bởi lẽ, thiên nhiên đã trao tặng đặc ân cho con người khai thác, thì bản thân mỗi người phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ, không được làm suy thoái, kiệt quệ, giữ lại cho thế hệ mai sau. Hiện nay chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong thang bậc của nền kinh tế để tạo ra giá trị gia tăng cũng có 4 cách tiếp cận: Một là hàng hóa phổ thông, hai là sản phẩm hoàn thiện, ba là hàng hóa dịch vụ, bốn là hàng hóa trải nghiệm.

Với việc phát triển nông nghiệp huyện Tứ Kỳ, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng: địa phương cần kiên định bước tiếp, cần xác định tư tưởng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nhân văn, bởi việc sản xuất hữu cơ thời gian đầu sẽ gặp gian nan, nhiều ý kiến phản đối.

2(5).jpg
Giai đoạn 2022 - 2025 địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững

Theo kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 mà UBND huyện Tứ Kỳ triển khai, sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Phát triển nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, tạo nhiều giá trị khác biệt hướng đến xuất khẩu.

Mục tiêu của huyện phấn đấu đến năm 2025, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2%; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 180 triệu đồng; thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 1,5 lần so với năm 2021; bước đầu hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, phát triển đa dạng các loại hình ngành nghề, thu hút nhiều lao động, du lịch nông thôn. Đến năm 2025 tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND huyện yêu cầu các địa phương xác định rõ vị trí, quy mô diện tích đất để phục vụ sản xuất cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Đối với những diện tích lúa và diện tích đất nông nghiệp cho năng suất, chất lượng cao cần phải bảo vệ nghiêm ngặt thì phải được quản lý bằng bản đồ số. Xác định, phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện ở những địa phương có lợi thế để thu hút đầu tư; hỗ trợ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn xuất khẩu, tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bổ sung cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, thuế… hỗ trợ các tổ chức kinh tế tư nhân xây dựng cơ sở bảo quản, chế biến, làm đầu mối tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân.

Bên cạnh đó, huyện ưu tiên đầu tư công để nâng cấp cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất tập trung, đê điều, phòng chống lụt bão; lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; giám sát, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; hỗ trợ đầu tư bảo quản sau thu hoạch và công nghệ chế biến nông sản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng và bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuyên truyền nhân dân đẩy mạnh áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Toàn huyện có trên 9.200 ha đất nông nghiệp, chiếm 55% tổng diện tích đất tự nhiên, 296 ha liên vùng nuôi trồng thủy sản đang được hoàn thiện để trình UBND tỉnh Hải Dương công nhận vùng thủy sản ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định 66/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... Tổng sản lượng nông sản hữu cơ hàng năm khoảng 2.300 tấn/năm (lúa 1.230 tấn, rươi 200 tấn, cáy 90 tấn, chuối 780 tấn), cho thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp huyện Tứ Kỳ tìm bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO