Diễn đàn pháp lý

Nhà đầu tư đòi quyền lợi thế nào nếu Chủ tịch HĐQT bị bắt?

Đức Sơn 23/02/2024 - 15:19

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can là lãnh đạo Tập đoàn Sen Tài Thu về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nhiều nhà đầu tư lo lắng về tài sản của mình đã góp vào đây và không biết xử lý ra sao?

Cụ thể, 3 bị can gồm: Phạm Thị Hòa - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Nguyễn Thị Thùy Linh - cựu Phó Tổng Giám đốc (con gái bà Hòa) và Nguyễn Thị Lan Hương - cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu.

Theo Công an TP. Hà Nội, kết quả điều tra bước đầu, xác định từ đầu năm 2020, Phạm Thị Hòa và Nguyễn Thị Thùy Linh do đầu tư vào việc mở rộng các cơ sở của hệ thống Sen Tài Thu trong thời gian dài nên đã vay nợ số tiền lớn khoảng hơn 300 tỷ, trong đó tiền gốc khoảng 100 tỷ đồng, số còn lại là tiền lãi 200 tỷ.

photo1706500405660-1706500407424254573528.jpg
Bị can Phạm Thị Hoà - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu tại trụ sở Công an.

Theo kết quả điều tra sơ bộ xác định, từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2023, có hơn 400 nhà đầu tư đã ký kết mua bán cổ phần với Phạm Thị Hòa thông qua khoảng hơn 1.000 hợp đồng, chuyển số tiền khoảng hơn 1.000 tỷ đồng (giá trị trên hợp đồng) đến Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu. Sau khi nhận tiền, Công ty cắt từ 7-30% cho các sale; số còn lại Linh, Hương đã chiếm đoạt để chi trả các khoản nợ cho Phạm Thị Hòa, Nguyễn Thị Thùy Linh, các mối cho vay do Nguyễn Thị Lan Hương mang về. Đến thời điểm hiện tại, Công ty không còn khả năng thanh toán.

Vậy nhà đầu tư phải làm gì để đòi lại quyền lợi của mình?

Tiến sĩ - Luật sư (TS.LS) Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, với thủ đoạn tinh vi là gian dối về doanh thu, dự án để huy động vốn rồi mất khả năng thanh toán thì việc bị cơ quan chức năng xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không tránh khỏi.

Thực tế, pháp luật Việt Nam không cấm doanh nghiệp huy động vốn. Tuy nhiên, việc huy động vốn phải công khai, minh bạch, sử dụng vốn đúng mục đích và không được phép đưa ra thông tin gian dối để kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn. Trường hợp đưa ra thông tin gian dối để các nhà đầu tư góp vốn nhưng lại sử dụng vốn vào mục đích bất hợp pháp hoặc sử dụng sai mục đích dẫn đến mất khả năng thanh toán là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

ac-1706581796759801441477.jpg
TS.LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.

“Với số tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự với chế tài là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”, TS.LS Cường cho biết.

Theo TS.LS Cường, những người đã góp tiền vào doanh nghiệp này theo hình thức góp vốn (nhà đầu tư), cho vay hoặc các giao dịch khác mà thấy rằng mình đã bị lừa đảo, có thể liên hệ, trình báo với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội, VKSND TP. Hà Nội để được đề nghị tham gia tố tụng với vai trò là người bị hại, đồng thời được quyền đưa ra các tài liệu đồ vật chứng cứ, yêu cầu để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết.

Trường hợp kết thúc hoạt động tố tụng mà những người bị hại vẫn chưa nhận được tiền thì trong phiên xét xử vụ án hình sự sau này, người bị hại có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại, buộc hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt và những thiệt hại khác nếu có.

“Khi bản án hình sự có hiệu lực pháp luật mà các bị cáo không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, người bị hại có quyền căn cứ vào bản án đã có hiệu lực pháp luật để yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành án”, TS.LS Cường cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà đầu tư đòi quyền lợi thế nào nếu Chủ tịch HĐQT bị bắt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO