Diễn đàn pháp lý

Nguyên nhân các vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra liên tiếp gần đây

26/02/2024 - 11:45

Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến các vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây là do sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của đối tượng gây án, cũng như ảnh hưởng từ môi trường giáo dục gia đình và xã hội.

Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống

Thời gian gần đây, xảy ra không ít các vụ án giết người, cướp tài sản khiến dư luận không khỏi bất an, lo sợ bởi sự liều lĩnh và táo tợn của đối tượng gây án. Đặc biệt, tội phạm đang có xu hướng "trẻ hóa" với những thủ đoạn hết sức manh động đang đặt ra những vấn đề đáng lo ngại trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.

toi-pham-tre-hoa.jpeg
Hoàng Minh Hào, sinh năm 2004, bị khởi tố 2 tội danh giết người và cướp tài sản.

Giải mã các vụ án cướp của, giết người, một số chuyên gia tội phạm học nhận định: Mỗi vụ việc lại có những nguyên nhân động cơ khác nhau nhưng nhìn chung các đối tượng gây án đều trẻ tuổi, khó khăn về kinh tế, trình độ học thức, văn hóa không cao và có ý thức coi thường pháp luật.

Nguyên nhân sâu xa của những hành vi vi phạm pháp luật đến từ quá trình giáo dục hình thành nhân cách trong suốt một thời tuổi trẻ. Với những đối tượng sống trong hoàn cảnh gia đình thường xuyên tiếp xúc với bạo lực, sống trong gia đình không có hạnh phúc, bỏ học từ sớm hoặc thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ thì dễ sa ngã, hư hỏng, không nhận thức được những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật, vì lòng tham và sự ích kỷ mà sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật bất kỳ lúc nào.

Theo nhận định của Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân), sức ép về việc làm, tiền bạc dẫn đến áp lực cuộc sống ngày càng tác động mạnh mẽ vào xã hội, vào mỗi con người. Điều này chi phối giá trị sống và ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi người. Bởi vậy đấu tranh phòng chống tội phạm về trật tự xã hội là nhiệm vụ khó khăn, cam go, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

thuong-ta-dao-trung-hieu.jpeg
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu

Phân tích dưới góc nhìn tội phạm học, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu cho biết, mẫu số chung giữa các vụ án đó là kẻ thủ ác đều hướng tới tài sản của nạn nhân. Nói cách khác, động cơ gây án của hung thủ là chiếm đoạt tài sản. Và để thực hiện được điều này, chúng không ngần ngại ra tay tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

Ông Hiếu đánh giá các vụ án trên có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, cùng lúc xâm hại 2 khách thể được luật hình sự bảo vệ, đó là quyền được sống và quyền sở hữu tài sản.

“Đã thành quy luật, vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán hàng năm, tình hình tội phạm sẽ có những diễn biến phức tạp, vì năm hết tết đến, nhu cầu chi tiêu, mua sắm, đi lại của cộng đồng tăng cao. Qua thông tin báo chí phản ánh, có thể thấy hành vi phạm tội của các đối tượng có ác tính rất cao, phản ánh sự suy thoái trầm trọng trong nhân cách con người, đặc trưng đó là sự ích kỷ cao độ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, coi thường tính mạng người khác. Khi thực hiện tội phạm, các đối tượng bị thúc đẩy bởi động cơ thỏa mãn nhu cầu vật chất. Để chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân, đồng thời lo sợ nếu để nạn nhân sống, hành vi phạm tội sẽ bị tố cáo nên chúng đã xuống tay tàn bạo, quyết tâm tước đoạt sinh mạng con người”, Tiến sĩ Hiếu phân tích.

Phòng tránh bằng cách nào?

Theo một số chuyên gia, các mối quan hệ xã hội có thể dễ dàng thiết lập thông qua môi trường mạng internet, do vậy nên thận trọng với các mối quan hệ này. Đối với mối quan hệ nam nữ, cần thận trọng với những người mà chưa biết rõ về nhân thân lai lịch, đặc điểm tính cách để tránh bị xâm hại tình dục hoặc bị chiếm đoạt tài sản.

Khi tiếp xúc với người lạ ở nơi đêm khuya vắng vẻ thì không nên tiếp xúc một mình, khi thấy những người lạ có biểu hiện bất thường từ ánh mắt, cử chỉ, hành vi thì cần có những phản ứng phù hợp, có những giải pháp phòng thân để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Không mang theo tài sản, trang sức hoặc những đồ có giá trị để tiếp xúc với người lạ hoặc đến những nơi vắng vẻ để tránh nguy cơ bị cướp tài sản.

Nếu bản thân bị tấn công, bị xâm hại tình dục hoặc đối tượng muốn thực hiện hành vi cướp tài sản thì tùy từng tình huống mà có cách ứng xử phù hợp, mục tiêu cao nhất là bảo toàn tính mạng. Những kỹ năng sống này cần phải được rèn luyện trong môi trường học đường và trải nghiệm thực tiễn cuộc sống.

Trường hợp gia đình mất liên lạc với người thân thì cần phải trình báo sự việc ngay với cơ quan chức năng để tìm kiếm, xử lý kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Đấu tranh đẩy lùi cái ác

Theo Tiến sĩ luật học, Luật sư Đặng Văn Cường, tính ích kỷ có nguồn gốc, nguyên nhân từ giáo dục sai lầm trong môi trường gia đình và môi trường xã hội. Với những đối tượng sống trong gia đình có điều kiện vật chất tốt hoặc được nuông chiều thì khi đụng chạm đến quyền lợi đối tượng đó sẵn sàng xuống tay tàn nhẫn để giành giật hoặc khi khó khăn sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn đoạn có được lợi ích cho bản thân mà bỏ qua vấn đề đạo đức.

luat-su-dang-van-cuong.jpg
Tiến sĩ Luật học, Luật sư Đặng Văn Cường

Ngoài ra vấn đề giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống cho những người trẻ cũng chưa được coi trọng đúng mức, giáo dục kỹ năng sống và giáo dục pháp luật trong môi trường học đường còn nặng về hình thức, nội dung chương trình không phù hợp, thiếu đổi mới sáng tạo dẫn đến không hiệu quả.

Nhiều đối tượng thực hiện hành vi phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, phần còn lại là ý thức coi thường pháp luật. Khi vấn đề đạo đức được quan tâm nhiều hơn, đạo đức trở thành nền tảng trong quan hệ xã hội và hiểu biết pháp luật trở thành những điều kiện cơ bản trong giao tiếp xã hội thì tính mạng sức khỏe danh dự nhân phẩm và tài sản của con người còn có thể bị đe dọa xâm phạm bất kỳ lúc nào.

Bởi vậy để đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả, để bảo vệ tốt nhất tính mạng sức khỏe danh dự nhân phẩm tài sản của công dân thì vấn đề thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm cần phải được thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn, trong đó vấn đề giáo dục đạo đức nhân cách lối sống, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật cần phải được đề cao hơn nữa, đảm bảo có hiệu quả hơn nữa trong môi trường học đường và trong gia đình, trong xã hội.

Mới đây nhất là vụ án mạng thương tâm xảy ra tại Hà Nội, nạn nhân là cô gái 21 tuổi, quê ở Thanh Hóa bị sát hại giấu xác trong tủ bếp tại tầng 3 tòa chung cư mini 7 tầng nằm sâu trong ngách 40, ngõ 79 phố Cầu Giấy.

Cũng liên quan đến vụ án giết người cướp tài sản, vào chiều 8/2 (tức 29 Tết), Nguyễn Đăng Khoa (25 tuổi, quê Tiền Giang) dẫn dụ chị V.Th.Th (25 tuổi, quê Đồng Nai) qua phòng trọ của mình ở phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, TPHCM nhờ phụ giúp dọn đồ đạc. Tại đây, Khoa sát hại chị Th., hiếp dâm nạn nhân và lấy đi số tài sản lớn gồm nhiều lắc tay, nhẫn vàng... Để che giấu hành vi phạm tội, Khoa đã dùng dao phân xác nạn nhân thành nhiều phần, rồi đi phi tang tại khu vực bụi cây rậm rạp.

Trước đó, trưa ngày 6/1, Nguyễn Thanh Tâm (27 tuổi, trú xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM) đến ki-ốt bán cà phê, nước giải khát ven Quốc lộ 22 (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM) sát hại chị N.T.H.P (22 tuổi, nhân viên quán cà phê) cướp chiếc xe máy Honda SH và tẩu thoát.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thanh Tâm khai trước khi gây án, nghi phạm không có việc làm ổn định, túng thiếu tiền bạc, cuộc sống bế tắc nên đã lên kế hoạch đi cướp tài sản.

Đây chỉ là 3 trong số nhiều vụ án giết người, cướp tản sản xảy ra trong thời gian gần đây, gây hoang mang dư luận xã hội mất trật tự an ninh an toàn tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên nhân các vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra liên tiếp gần đây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO