Hộp thư bạn đọc

Nguyên đơn khởi kiện nhưng không còn hồ sơ gốc

Phúc Thịnh 25/08/2023 - 11:06

TAND tỉnh Tiền Giang yêu cầu nguyên đơn cung cấp bản chính tài liệu chứng cứ liên quan trong vụ án, tuy nhiên nguyên đơn có văn bản phúc đáp trả lời rằng hồ sơ gốc bị mất, không còn bản chính.

Nguyên đơn dùng hồ sơ “sao y” đi kiện

TAND tỉnh Tiền Giang đang thụ lý vụ án hành chính về khiếu kiện "Quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai", nguyên đơn trong vụ kiện là Huyện ủy Cai Lậy và bị đơn là ông Ngô Tấn Lâm (ngụ xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

Theo nội dung khởi kiện, vào năm 1985, UBND huyện Cai Lậy có kế hoạch xây dựng nhà máy sấy chuối và cơ sở ép dầu dừa xuất khẩu tại xã Tam Bình, do vậy phải trưng dụng phần đất với diện tích 4.000m2 của gia đình bà Nguyễn Thị Tươi (mẹ ông Ngô Tấn Lâm) và giao cho Công ty Thương nghiệp huyện Cai Lậy.

UBND huyện đã giao các ngành chức năng liên quan thỏa thuận bồi hoàn thành quả lao động trên phần đất của bà Tươi tại ấp Bình Thanh, xã Tam Bình. Tại buổi làm việc, bà Tươi và ông Lâm thống nhất nhận tiền bồi hoàn thành quả lao động phần diện tích 4.000m2 là 12.000 đồng và thống nhất nhượng thêm 200m2 (10m x 20m) để làm lối đi cho xe ra vào vận chuyển hàng hóa.

Đến ngày 28/12/1985, bà Tươi và ông Lâm đã nhận đủ số tiền bồi hoàn thành quả lao động của diện tích 4.000m2. Riêng tiền bồi hoàn thành quả lao động trên phần đường đi 200m2 chưa chi trả cho ông Lâm.

Đến tháng 3/1995, ông Ngô Tấn Lâm thuê gàu cạp đất bao lại phần đất 4.000m2; hành vi trên được các cơ quan chức năng huyện và UBND xã Tam Bình lập biên bản đình chỉ nhưng ông Ngô Tấn Lâm không chấp hành vi có đơn yêu cầu trả lại 4.000m2.

Mặc dù nhiều cơ quan chức năng đã có văn bản bác đơn yêu cầu của ông Ngô Tấn Lâm. Tuy nhiên, trong thời gian này, ông Ngô Tấn Lâm vẫn tiếp tục làm đơn khởi kiện và yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 2979/QĐ-UB ngày 27/10/1997 của UBND tỉnh Tiền Giang.

Sau khi Công ty Thương nghiệp Cai Lây giải thể, phần đất trên do Huyện ủy Cai Lậy quản lý sử dụng. Ngày 25/4/2000, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định 1278 QĐ-UB về việc giao đất cho Huyện ủy Cai Lậy quản lý và sử dụng thửa đất số 350, diện tích 7.010m2 (trong đó có 4.000m2 thu hồi và đã bồi hoàn thành quả lao động cho bà Nguyễn Thị Tươi), theo Quyết định số 1278/QĐ-UB ngày 25/4/2000 của UBND tỉnh Tiền Giang.

Tuy nhiên, ông Lâm rào chắn phần lối đi vào khu đất của Huyện ủy, đồng thời ông Lâm đập phá tường rào giáp ranh liền kề, lấn chiếm đất, trồng hoa kiểng,… trên thửa đất số 350 của Huyện ủy Cai Lậy quản lý. Mặc dù đại diện đơn vị quản lý sử dụng đất đã nhắc nhở và báo UBND xã Tam Bình tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng ông Ngô Tấn Lâm không chấm dứt hành vi chiếm đất trái pháp luật.

Do đó, Huyện ủy Cai Lậy làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa xem xét, giải quyết buộc ông Lâm chấm dứt hành vi lấn chiếm đất trái phép và trả lại phần diện tích đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của Huyện ủy.

Sau thụ lý đơn khởi kiện, ngày 7/6/2023, TAND tỉnh Tiền Giang đã có Quyết định số 15/2023/QĐ-CCTLCC yêu cầu Huyện ủy Cai Lậy cung cấp bản chính tài liệu chứng cứ biên bản họp bồi thường hoa màu ngày 9/12/1985 đối với ông Nguyễn Tấn Lâm để Tòa giám định chữ ký ông Lâm phục vụ cho quá trình thu thập chứng cứ.

Ngày 12/06/2023, Huyện ủy Cai Lậy có Công văn 776-CV/HU phúc đáp đến TAND tỉnh Tiền Giang với nội dung: “Qua trích lục hồ sơ Huyện ủy Cai Lậy không còn bản chính biên bản về việc bồi thường hoa màu trên đất của gia đình ông Ngô Tấn Lâm vào ngày 09/12/1985 do Công ty Thương nghiệp Cai Lậy đã bồi hoàn thành quả lao động cho bà Nguyễn Thị Tươi (mẹ ruột của ông Lâm).

Lý do là do trước đây do Công ty Thương nghiệp Cai Lậy thực hiện việc bồi thường thành quả lao động cho bà Nguyễn Thị Tươi, sau đó Công ty Thương nghiệp Cai Lậy đã giải thể và bàn giao hồ sơ cho Huyện ủy Cai Lậy vào năm 1996. Hồ sơ lưu trữ đã lâu và qua nhiều lần bàn giao hồ sơ giữa các cơ quan, hơn nữa vào năm 2013 thực hiện Nghị quyết 130 của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy còn lại, thành lập các phường thuộc thị xã Cai Lậy thì hồ sơ lưu trữ bàn giao giữa 2 đơn vị bị thất lạc bản chính, chỉ còn bản photo biên bản về việc bồi thường thành quả lao động đối với 4.000m2 của bà Nguyễn Thị Tươi vào ngày 09/12/1985”.

z4625076973224_a4724fe0d8186d47b0017d415e15abde.jpg
Công văn Huyện ủy Cai Lậy phúc đáp đến TAND tỉnh Tiền Giang về việc hồ sơ gốc bị mất

Trưng dụng đất của mẹ, lấy đất của con

Theo Ngô Tấn Lâm, vào năm 1985, UBND huyện Cai Lậy lên kế hoạch xây dựng nhà máy sấy chuối và cơ sở ép dầu dừa xuất khẩu nên trưng dụng 4.000m2 đất của mẹ ông là bà Nguyễn Thị Tươi giao cho Công ty Thương nghiệp huyện Cai Lậy.

Tuy nhiên, Công ty Thương nghiệp huyện lại lấy hơn 500m2 đất của ông Lâm ở gần sông để mở điểm thu mua nông sản, tiếp đó lấy thêm 200m2 đất để mở đường đi. Được 3 năm, điểm kinh doanh này giải thể và xảy ra việc tranh chấp đất giữa ông Lâm với Công ty Thương nghiệp huyện Cai Lậy.

Ngày 27/10/1997, UBND tỉnh Tiền Giang đã ra Quyết định số 2979/QĐ-UB giải quyết tranh chấp đất giữa ông Lâm và Công ty Thương nghiệp huyện Cai Lậy. Quyết định ghi rõ: "Căn cứ vào bảng vẽ do Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy phác họa thì lối đi này vẫn thuộc quyền quản lý sử dụng của ông Lâm. Nhưng đến nay công ty chưa thanh toán tiền cho ông lâm phần diện tích 10 x 20 m theo thỏa thuận. Do đó nếu Công ty Thương nghiệp Cai Lậy muốn tiếp tục sử dụng lối đi này thì phải bồi thường thành quả lao động cho ông Lâm. Trường hợp ông Ngô Tấn Lâm không nhận tiền thì gửi vào ngân hàng Nhà nước huyện Cai lậy cho ông Lâm khi cần sử dụng. Quyết định này chuẩn y quyết định của huyện lấy đất bà Tươi giao cho Công ty Thương nghiệp”.

z4627657229521_6ff41810898912fc5646dcda523020bf.jpg
Ông Ngô Tấn Lâm chỉ vào phần đất đang bị Huyện ủy Cai Lậy khởi kiện

Ông Ngô Tấn Lâm cho biết: “Đất của tôi gần sông diện tích 4.064m2. Trước đây, khi trưng dụng 4.000m2 đất của mẹ tôi ở xa sông, huyện đã lấy phần đất gần sông của tôi. Năm 2000, khi tranh chấp trên chưa giải quyết thì UBND tỉnh lại ra quyết định lấy thêm 7.010m2 đất của tôi. Vấn đề quản lý đất đai của địa phương tùy tiện quá khiến cuộc sống gia đình tôi không yên ổn gần 40 năm nay, dù nguồn gốc đất của mẹ con tôi rõ ràng, có đăng ký đúng pháp luật”.

Việc đăng ký đất của bà Tươi và ông Lâm được Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tiền Giang xác nhận ngày 5/6/2023 bằng Công văn số 126/VPĐKĐĐ-TTLT. Theo đó, bà Tươi và ông Lâm đăng ký ruộng đất vào sổ mục kê ngày 23/8/1984; bà Tươi đăng ký thửa 349 diện tích 4.709m2 sát tỉnh lộ 868 xa sông Năm Thôn, ông Lâm đăng ký thửa 350 diện tích 4.064m2 sát tỉnh lộ 868 và sông Năm Thôn.

Hiện vụ án đang được TAND tỉnh Tiền Giang thụ lý, Báo Công lý sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên đơn khởi kiện nhưng không còn hồ sơ gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO