Trong nước

"Nghiêm khắc nhưng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội"

Mai Thoa 07/06/2024 - 12:27

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên với hệ thống các quy định được xây dựng, hoàn thiện trên tinh thần "Nghiêm khắc nhưng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội"

Chiều 6/6, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình Quốc hội dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Trình bày Tờ Trình, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết, dự án Luật được xây dựng nhằm hoàn thiện các quy định liên quan, được đánh giá đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích tốt nhất cho đối tượng này.

ca-ok.jpeg
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên trước Quốc hội.

Nghiêm khắc nhưng đảm bảo tính nhân văn, tiến bộ

Theo Chánh án TANDTC, việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về "phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em". Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em"; thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó là khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành như: Hệ thống hình phạt chưa phù hợp; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành; mức hình phạt tù tối đa vẫn còn nghiêm khắc; các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định nhưng hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi;

Thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện; chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia cũng như vị trí, vai trò, trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; quy định về thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng còn chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao; chưa nội luật hóa đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…Cùng với đó là nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm người chưa thành niên; tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp quốc về xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên…

Việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp, đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên;

Bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên; tăng cường cơ hội tái hòa nhập cộng đồng;…

060620240848-z5511703827256_e041ffcfe638dd11d8817a662a497a43.jpg
Quang cảnh Hội trường Quốc hội.

Theo đó, dự thảo Luật gồm 173 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Dự thảo Luật được đánh giá cao nhiều nội dung trong đó có quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự, như: bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; đảm bảo hình thành một đạo luật chuyên biệt, toàn diện đối với người chưa thành niên bao gồm cả chính sách hình sự đặc thù, thủ tục tố tụng thân thiện, điều kiện thi hành án phù hợp với lứa tuổi, bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em và tạo thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên; Phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và kinh nghiệm phổ biến của nhiều quốc gia đã có Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự và quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho cộng đồng. Đồng thời, quy định việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Khuyến khích người chưa thành niên chấp hành tốt để được chấm dứt trước thời hạn việc thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng. Đổi mới trình tự, thủ tục xử lý chuyển hướng theo hướng kịp thời, hiệu quả…

Đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cùng cho biết, các thành viên trong Uỷ ban cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ của Tòa án nhân dân tối cao.

ca2-ok.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên trước Quốc hội.

Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Dự thảo Luật khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, chỉ điều chỉnh một số chính sách hình sự và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên trên nền của các quy định vốn được dành cho người trưởng thành, mà thiếu cách tiếp cận có tính chuyên biệt, hệ thống và toàn diện.

Việc ban hành một đạo luật chuyên biệt về tư pháp đối với người chưa thành niên thể hiện Việt Nam đáp ứng và thực thi tích cực, nghiêm túc yêu cầu của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc .

Hồ sơ dự án Luật được TANDTC chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên; tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm, đánh giá tác động, rà soát các cam kết, quy tắc, hướng dẫn quốc tế có liên quan; nghiên cứu, tham khảo pháp luật của một số nước; xây dựng dự thảo văn bản quy định chi tiết; tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan.

UBTP tán thành phạm vi điều chỉnh của Luật và cho rằng, lĩnh vực tư pháp hình sự, người chưa thành niên là người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng, bắt buộc phải tham gia vào các quy trình, thủ tục chặt chẽ và có thể bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế (như: bắt, giam, giữ, dẫn giải, áp giải...).

Các biện pháp này ở những mức độ khác nhau đều tác động tiêu cực đến tâm lý Người chưa thành niên. Do vậy người chưa thành niên trong lĩnh vực tư pháp hình sự cần được ưu tiên quan tâm, bảo vệ.

Các ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cũng đồng tình và cho rằng, xuất phát từ đặc điểm của Người chưa thành niên là người chưa trưởng thành về mọi mặt (về thể chất, tinh thần, nhận thức và đạo đức), nhiều em chưa thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất trước các nguy cơ vi phạm và tội phạm.

Đặc biệt là khi tham gia vào các quy trình tư pháp hình sự đều dễ bị tác động tiêu cực, dễ để lại những tổn thương lâu dài, nhất là khi phải đối diện với các biện pháp có tính chất cưỡng chế (như: khởi tố, bắt, giam, giữ, khám xét, đối chất…

Đặc điểm đó đòi hỏi Nhà nước khi thiết kế chính sách xử lý cần có cách tiếp cận chuyên biệt, khác với người trưởng thành, để từ đó thiết lập các nguyên tắc xử lý, chế định hình phạt, thủ tục tố tụng, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên; cũng như cân nhắc toàn diện các nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến người chưa thành niên phạm tội.

Trong quá trình xây dựng BLHS và BLTTHS trước đây, Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nhiều lần kiến nghị xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên nhưng chưa được chấp thuận. Nay Quốc hội khóa XV quyết định xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận của Quốc hội về vấn đề này, các thành viên Ủy ban Tư pháp đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nghiêm khắc nhưng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO