Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần rõ việc sớm hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra trong công tác phòng, chống ma túy, đầu tư, xây dựng, sửa chữa các cơ sở cai nghiện ma tuý.
Vừa qua, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia (UBQG) Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, UBQG Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống ma túy năm 2023.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, gồm: Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch UBQG Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm Đào Ngọc Dung; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và 5 địa phương gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An…
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh văn Phòng Bộ Công an báo cáo tóm tắt kết quả công tác phòng, chống ma túy năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Đại diện lãnh đạo các Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính báo cáo về công tác cai nghiệm và quản lý sau cai; công tác xác định tình trạng nghiện và điều trị nghiện ma túy; công tác bảo đảm nguồn lực tài chính.
Báo cáo của Bộ Công an khẳng định, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, UBQG Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành và địa phương, công tác phòng, chống ma túy năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực; đã hoàn thành đa số chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm đề ra tại Chương trình công tác năm 2022 của UBQG Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa được tăng cường.
Nổi bật là đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống ma túy; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, quán triệt, triển khai sâu rộng Luật Phòng, chống ma túy, Công điện 365 của Thủ tướng Chính phủ đến cấp cơ sở. Đến nay, có 61/63 tỉnh, thành phố đã công bố danh sách cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện. Nhiều địa phương đã chủ động, tích cực lập hồ sơ đưa nhiều người nghiện đi cai nghiện bắt buộc theo quy định mới.
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy đã chú trọng vào các tuyến, địa bàn trọng điểm. Các lực lượng chuyên trách đã phối hợp hiệu quả, phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật và đạt tỷ lệ cao.
Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và phòng, chống trồng cây chứa chất ma túy có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là với các nước láng giềng được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa các loại tội phạm về ma túy.
Công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc được quan tâm chỉ đạo và thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước. Việc rà soát được thực hiện từ cơ sở xã, phường, thị trấn, qua đó giúp các cấp, ngành chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai, góp phần hạn chế nguồn cầu về ma túy.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Công an cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và phân tích rõ nguyên nhân, đồng thời đề xuất các giải pháp giải quyết.
Dưới sự điều hành của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch UBQG Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, cùng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, các đại biểu bộ, ngành và UBND TP Hà Nội, Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, đã tập trung thảo luận những giải pháp “giảm cầu” về ma túy; công tác quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; công tác cai nghiện và quản lý sau cai; tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa ma túy; xây dựng các mô hình điểm, huy động các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào công tác phòng, chống ma túy…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao những kết quả, thành tích của Bộ Công an trong những năm qua liên quan đến giảm cung, giảm cầu về ma túy, tội phạm ma túy. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định vấn đề cai nghiện ma túy chưa khi nào là dễ dàng đối với các địa phương.
Liên quan đến công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra một số vấn đề cần quan tâm, phân tích những hạn chế, vướng mắc. Cụ thể, đó là các cơ sở cai nghiện ma túy hiện nay đều quá tải, thậm chí có cơ sở quá tải gấp 3-4 lần. Đối tượng cai nghiện rất đa dạng, nhưng chưa bao giờ tỷ lệ người nghiện sử dụng ma túy đá nhiều như hiện nay. Số người nghiện đang được “trẻ hóa”, xu hướng chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở cai nghiện. Các cơ sở cai nghiện ma túy hiện nay nhìn chung đều xuống cấp. Đội ngũ làm công tác cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn, số lượng ít. Lực lượng y tế trong các cơ sở cai nghiện hiện nay khá thưa. Việc xác định tình trạng người nghiện gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề xuất cần tiếp tục tăng cường đầu tư, tài chính phục vụ công tác cai nghiện, sau cai, phòng, chống AIDS, mại dâm, ma túy, tập trung đối với lứa tuổi thanh thiếu niên; đào tạo công ăn việc làm ngay trong cơ sở cai nghiện cho số đối tượng trên; đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, đảm bảo hiệu quả phòng, chống ma túy ở từng cấp, địa phương…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá 7 vấn đề còn tồn tại trong các báo cáo đã phản ánh được những khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương. Theo lãnh đạo Bộ Công an, hiện có tình trạng khoán trắng cho lực lượng Công an trong công tác phòng, chống ma túy, đồng thời một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác này để trú trọng đầu tư. Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin về những thủ đoạn gây án, tình hình phạm tội, mức độ, tác hại của ma túy, tội phạm ma túy đối với xã hội, trên khu vực và quốc tế. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy, tệ nạn ma túy của Bộ Công an trong thời gian qua và những phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Chỉ rõ 13 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành cần phải được triển khai sớm, hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh phải làm giảm đầu “cầu” của người nghiện và tấn công đầu “cung” đó là những ổ nhóm, đường dây tội phạm ma túy.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý, các bộ, ngành, địa phương cần phải tính toán giải quyết những phần việc cấp bách, chứ không chờ tuần tự thời gian, nhiệm vụ đặt ra theo lộ trình. “Đối với các cơ sở cai nghiện phải nâng cấp cơ sở nào, để đảm bảo mỗi tỉnh phải có cơ sở cai nghiện để giúp họ cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Hay như việc tận dụng bố trí nguồn lực đối với những cán bộ ngành y tế đã về hưu, phủ kín diện rộng, diện hẹp và không để trống khu vực nào”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc lấy ví dụ.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Bộ Y tế sớm nghiên cứu đưa tiền chất vào danh mục ma túy. Thế giới và khu vực đã đưa tiền chất vào danh mục y tế và đã xử lý rất mạnh mẽ những vi phạm có liên quan đến ma túy. Việc xác định những chất nghiện, gây nghiện phải sớm, tránh tình trạng Bộ Công an phát hiện qua những vụ án, Bộ Y tế lúc này mới đánh giá, đưa vào diện quản lý.
Đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh, thanh thiếu niên, qua từng nhóm độ tuổi, khu vực sống, lao động, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống ma túy.
Đối với các lực lượng phòng, chống ma túy, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị cần tổ chức giao ban thường xuyên, chất lượng giao ban sâu, chặt chẽ hơn để bổ sung cho nhau những phương án, kinh nghiệm giải quyết các vụ án, sự việc liên quan đến ma túy, đặc biệt không để trống địa bàn quản lý. Sắp tới, UBQG phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm sẽ nghiên cứu, tổ chức các đoàn kiểm tra ở những địa bàn “nóng”, qua đó cụ thể hóa những phần việc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Các bộ, ngành thành viên trong Ủy ban cần chủ động, sớm giải quyết những phần việc được giao.
Trước một số kiến nghị, băn khoăn của đại diện các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã giải đáp, hướng dẫn để giúp các địa phương thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm ma túy, quản lý người nghiện, công tác sau cai. Theo Thứ trưởng Bộ Công an, những phần việc nào thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương phải chủ động thực hiện, Chính phủ và các bộ, ngành không làm thay được. Đồng chí Thứ trưởng cũng gợi mở cách làm, biện pháp giải quyết những vướng mắc, khó khăn trên, đề nghị lãnh đạo các địa phương sớm triển khai thực hiện.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đồng tình với báo cáo trung tâm của Bộ Công an, các báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc. Phó Thủ tướng đánh giá cao kết quả công tác phòng chống ma túy năm 2022, đặc biệt là những kết quả của Bộ Công an.
Đánh giá về tình hình, công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong năm 2023, Phó Thủ tướng cho rằng đối tượng phòng, chống, đấu tranh ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thủ đoạn hơn, trong khi một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn “chậm” khi ứng xử với nhiệm vụ này.
“Ai có người thân bị nghiện ma túy và những đồng chí đang trực tiếp làm nhiệm về phòng, chống ma túy, quản lý người nghiện mới thật sự thấu hiểu phần nào những đau khổ của gia đình, người thân họ, nỗi vất vả, khó khăn về nhiệm vụ, công tác này. Chúng ta phải quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn. Trách nhiệm của các địa phương trong công tác này rất lớn. Những việc gì có thể làm ngay thì làm luôn, không chờ thông báo kết luận cùng với đó tăng cường kiểm tra giám sát”- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng biểu dương với đề xuất, chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công an trong việc tổ chức các đoàn kiểm tra, để nắm tình hình, chia sẻ, động viên, chỉ đạo các lực lượng trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, nhất là những địa bàn, khu vực vùng sâu, vùng xa.
Ghi nhận, biểu dương Bộ Công an trong việc phản ứng nhanh, hiệu quả với các nhiệm vụ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan cùng các địa phương cần giải quyết sớm những yêu cầu về đầu tư về cơ sở hạ tầng tại các cơ sở cai nghiện, nhân lực quản lý, điều hành tại đây, đáp ứng được yêu cầu trong công tác phòng, chống ma túy. Đối với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu bắt tay ngay vào nhiệm vụ rà soát các thông tư, quy định có liên quan đến công tác quản lý, cai nghiện, tiền chất, phòng chống ma túy, đi kịp và đi trước một bước trong công tác phòng chống ma túy.
Giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu cần sớm rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, bố trí nguồn vốn cụ thể cho những hạng mục về trụ sở, cơ sở, con người, quản lý, phòng, chống ma túy, mại dâm, cai nghiện, sau cai nghiện.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo ở từng địa phương phải nâng cao trách nhiệm, quan tâm dành nguồn lực cho nhiệm vụ này. Cụ thể, tập trung sửa chữa, cải tạo, xây dựng những cơ sở cai nghiện. Những địa phương chưa có cơ sở cai nghiện phải nhanh chóng có biện pháp khắc phục nhưng đồng thời cũng phải nghiên cứu, triển khai xây dựng sớm các cơ sở cai nghiện đảm bảo công tác quản lý, cai nghiện ma túy; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay giữa các địa phương.