Nâng cao tính giáo dục pháp luật từ “Phiên tòa giả định”

Trang Trần| 24/02/2023 09:41

BVCL - Trong thời gian qua, việc Chi đoàn TAND thành phố Đà Nẵng, các quận, huyện tổ chức “Phiên tòa giả định” đã góp phần lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong giới trẻ. Đặc biệt mô hình này thực sự rất ý nghĩa đối với đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên…trong việc giáo dục, nâng cao hiểu biết về pháp luật.

nang-cao-tinh-giao-duc-phap-luat-tu-phien-toa-gia-dinh-hinh-anh01453659227.jpg
Phiên tòa giả định góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền mang lại hiệu quả cao.

Đứng trước thực trạng xuất hiện ngày càng nhiều các vụ án có liên quan đến đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên của các trường THCS, THPT phạm tội như tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản, bạo lực học đường… Câu hỏi đặt ra, bằng cách nào để nâng cao hiểu biết về pháp luật cho các em ngoài những kiến thức các em được trang bị trên ghế nhà trường?. Và sự xuất hiện của “Phiên tòa giả định” (PTGĐ) đến thời điểm hiện tại đang là một cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Xác định việc nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật cho thanh thiếu niên và học sinh là một trong những biện pháp để ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong giới trẻ, với sự chỉ đạo của Đoàn Khối các cơ quan thành phố Đà Nẵng, Chi đoàn TAND TP Đà Nẵng cùng Chi đoàn VKSND thành phố - Sở Tư pháp thành phố phối hợp với Đoàn Thanh niên một số trường học, Đoàn phường tổ chức mô hình PTGĐ.

Để phiên tòa đạt hiệu quả tuyên truyền cao, đoàn viên các đơn vị đã cùng nhau xây dựng kịch bản phiên tòa công phu, kỹ lưỡng, có đầy đủ các thành phần Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa, Luật sư, bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng,…Nội dung thực hiện PTGĐ đều được lấy từ các vụ án có thật xảy ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, phù hợp với đối tượng được tuyên truyền, “bị cáo” thường là những thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên ham chơi, lêu lổng.

Trong diễn biến phiên tòa, lồng ghép phần xét hỏi, luận tội tập trung phân tích các tình tiết, tính chất, hành vi phạm tội của tình huống giả định. Đồng thời, đưa ra những kỹ năng giải quyết các khúc mắc, mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống và trường học.

Mô hình đã lồng ghép một cách sinh động, có tính thuyết phục và hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền về tình trạng bạo lực học đường, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chuẩn bị vũ khí để giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng thực sự đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên đến dự, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức pháp luật cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Đặc biệt, thông qua PTGĐ các em không chỉ biết được hậu quả pháp lý của các hành vi vi phạm pháp luật mà còn hiểu rõ các nguyên nhân sâu xa dẫn đến các hành vi phạm tội.

Trong PTGĐ mới đây được các Chi đoàn tổ chức ở Trường THPT Trần Phú có nội dung: Đoàn Văn Sỹ (18 tuổi) và Nguyễn Lê Quốc Anh (16 tuổi, cùng trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là học sinh 2 trường THPT khác nhau trên địa bàn quận Hải Châu.

Sỹ nghĩ Quốc Anh đang “tán” bạn gái của mình nên hẹn Quốc Anh đến công viên để giải quyết mâu thuẫn. Đoàn Văn Sỹ rủ thêm Nguyễn Ngọc Hậu (18 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), mang theo hung khí đi tìm Quốc Anh để đánh. Khi thấy Quốc Anh đang ngồi chơi cùng nhóm bạn, Sỹ và Hậu mỗi người cầm 1 cây dao tự tạo, xông vào chém nhiều nhát vào 2 chân gây thương tích cho Quốc Anh.

Sau khi chém xong, Sỹ và Hậu lên xe máy rồi bỏ đi, còn Quốc Anh được người dân đưa đi cấp cứu. Với hành vi này, Đoàn Văn Sỹ và Nguyễn Ngọc Hậu bị cơ quan chức năng truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 134 BLHS.

nang-cao-tinh-giao-duc-phap-luat-tu-phien-toa-gia-dinh-hinh-anh11544114640.jpg
PTGĐ được đầu tư công phu, có đầy đủ các thành phần Chủ tọa, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Thư ký, Luật sư, bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng…

Quá trình diễn ra PTGĐ, các tình tiết trong vụ án đã thực sự lôi cuốn đối với các em học sinh đến tham dự. Các vai diễn, nhất là vai “bị cáo” được lựa chọn đảm bảo phù hợp với tâm lý, sự hiểu biết pháp luật của những người đến tham dự tại phiên tòa.

Bên cạnh đó, phát biểu luận tội của đại diện VKS, các ý kiến của HĐXX đã giúp các em học sinh cùng những người tham dự phiên tòa nhận thức rõ hành vi xâm phạm về sức khỏe của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ.

Trước những lập luận sắc bén, “có lý, có tình” của HĐXX, “bị cáo” Sỹ và Hậu đã nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình, tỏ rõ thái độ ăn năn hối cải và mong muốn sớm có cơ hội được sửa chữa lỗi lầm.

Trên cơ sở tính chất, mức độ vi phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đoàn Văn Sỹ mức án 03 năm tù và bị cáo Nguyễn Ngọc Hậu mức án 02 năm 06 tháng tù. Đây là mức án phù hợp, có tính răn đe, đảm bảo giữ vững tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, những người tham dự phiên tòa cũng có thêm nhiều kiến thức pháp luật bổ ích.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công lý, chị Phạm Thị Kiều Hạnh- Bí thư Chi đoàn TAND thành phố Đà Nẵng cho biết: “Đến nay riêng Chi đoàn đã phối hợp tổ chức được 3 PTGĐ. Việc xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều PTGĐ gắn với các vụ việc, tình huống pháp lý cụ thể nhằm góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật đến nhiều đối tượng. Đặc biệt, sau PTGĐ, Chi đoàn TAND TP Đà Nẵng tổ chức phần giao lưu hỏi- đáp đối với đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên về kiến thức pháp luật xoay quanh nội dung vụ án. Phần này luôn diễn ra sôi nổi, được các bạn tham gia nhiệt tình, tăng độ tương tác, hiệu quả của phiên tòa, hiệu quả của buổi tuyên truyền…”.

Cũng theo chị Phạm Thị Kiều Hạnh, PTGĐ được chú trọng thực hiện vào các đợt cao điểm như Tháng thanh niên, Tháng phòng chống ma túy, hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam. Dự kiến trong thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp với các cơ sở Đoàn thanh niên của thành phố, các cơ quan trên địa bàn tiếp tục thực hiện mô hình này.

nang-cao-tinh-giao-duc-phap-luat-tu-phien-toa-gia-dinh-hinh-anh21096552119.jpg
Phần giao lưu hỏi - đáp đối với đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên sau PTGĐ luôn là phần sôi nổi. (Trong ảnh: Chị Phạm Thị Kiều Hạnh- Bí thư Chi đoàn TAND thành phố Đà Nẵng điều hành phần giao lưu hỏi-đáp)

Mới đây, một PTGĐ với chủ đề “Bạo lực học đường” được Chi đoàn TAND quận Thanh Khê phối hợp Chi đoàn VKSND quận, Chi đoàn Công an quận, Chi đoàn Cơ quan chính quyền quận và Đoàn phường Hòa Khê (quận Thanh Khê, TP Đà nẵng) thu hút sự tham gia của hơn 500 đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn quận Thanh Khê.

Bạn Phan Thị Hoài Nhi, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng cho biết: "Bạo lực học đường đang diễn ra rất nhiều ở giới trẻ hiện nay nhưng đa phần các bạn đều không biết đó là vi phạm pháp luật. Từ những phiên tòa cụ thể như thế này các em học được kiến thức để tránh được hậu quả, rủi ro cũng như biết cách xử lý khi tình huống xảy ra".

Có thể thấy, tỷ lệ độ tuổi thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng, không chỉ liên quan đến bạo lực học đường mà còn nhiều hành vi khác như gây rối ANTT, tụ tập hỗn chiến, đua xe trái phép... Nguyên nhân một phần là do các em chưa nhận thức hết được hành vi dẫn đến vi phạm pháp luật. PTGĐ gắn với các vụ việc, tình huống pháp lý cụ thể được tổ chức trong thời gian qua đã góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, việc nhân rộng mô hình này tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố thực sự mang ý nghĩa thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao tính giáo dục pháp luật từ “Phiên tòa giả định”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO