Sáng 30/8, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đây là dự án luật đồ sộ, phức tạp, có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, nhà nước, là trọng tâm trong công tác lập pháp của cả nhiệm kỳ.
Việc sửa đổi luật Đất đai có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, quy định của luật sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, các bộ, ngành đã rất tích cực, trách nhiệm, tâm huyết để tiếp thu ý kiến của nhân dân, các ý kiến tham gia. Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì nhiều cuộc làm việc quan trọng, có nhiều định hướng chỉ đạo nguyên tắc để hoàn thiện dự án luật.
Đến thời điểm này, nhiều nội dung trong dự án luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp, các quy định của dự thảo luật có bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung lớn, còn có ý kiến khác nhau, nhiều nội dung chưa có phương án tiếp thu, cần khẩn trương tích cực bổ sung, rà soát, hoàn thiện. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về những vấn đề trọng tâm trong báo cáo cũng như các vấn đề các đại biểu quan tâm.
Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đây là dự án Luật lớn, có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quá trình tiếp thu, chỉnh lý tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Về nội dung cụ thể liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc quy định các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất có ảnh hưởng rất lớn đến thẩm quyền quản lý của từng cấp, thủ tục hành chính liên quan tới đất đai và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, nên cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng.
Việc phân loại quá chi tiết các chỉ tiêu sử dụng đất có thể dẫn đến sự thiếu linh hoạt, không đầy đủ hoặc không thể đáp ứng được thay đổi nhanh trong thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình triển khai và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, phát sinh thêm thủ tục hành chính. Đồng thời, các chỉ tiêu sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất và theo quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng tại Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng phải có sự tương thích với nhau.
Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan làm rõ nguyên tắc, tiêu chí đề xuất các chỉ tiêu sử dụng đất tại các cấp quy hoạch sử dụng đất.
Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, hiện nay có 2 loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Loại ý kiến thứ hai tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến ĐBQH, không quy định các chỉ tiêu “đất khu công nghiệp”, “đất khu công nghệ cao”, “đất hạ tầng giao thông cấp quốc gia”, “đất ở tại đô thị, đất ở tại nông thôn”, “đất di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”, “đất làm sân gôn”.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất lựa chọn loại ý kiến thứ hai. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ nên xác định chỉ tiêu đất trồng lúa, đất rừng, đất quốc phòng, đất an ninh, để bảo đảm thực hiện cho các cho mục tiêu quốc gia về an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh và thẩm quyền quyết định của Quốc hội theo quy định của pháp luật hiện hành và tránh chồng chéo, bảo đảm việc phân quyền và linh hoạt cho các địa phương, đối với các chỉ tiêu còn lại sẽ được rà soát quy định tại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, bảo đảm việc quản lý chặt sẽ mục đích sử dụng đất.
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo Luật liệt kê các trường hợp Nhà nước thu hồi đất là cứng nhắc, chưa phản ánh đầy đủ, chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có ưu điểm bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng. Tuy nhiên, việc liệt kê quá cụ thể, chi tiết các dự án, công trình thu hồi đất có nhược điểm khó bảo đảm bao quát, đầy đủ. Trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng, cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình này theo tinh thần của Điều 54 Hiến pháp.
Về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định tại khoản 5 Điều 122.
Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu để quy định về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với các trường hợp đã có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đã có quy hoạch chi tiết, bảo đảm quyền của Nhà nước điều tiết, phân phối phần địa tô chênh lệch do thay đổi quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất.
Về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật bỏ quy định về mức phân bổ tối thiểu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất.
Liên quan đến các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần và trả tiền hằng năm, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, cần có quy định theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh không chỉ giới hạn trong hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp mà cả hoạt động thương mại, dịch vụ; cho nhà đầu tư được trả tiền một lần hoặc trả tiền hằng năm tương ứng với tính chất của hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên đất, thời hạn, mục đích sử dụng đất và khả năng tài chính của nhà đầu tư, mặt khác, giúp nhà đầu tư tính toán được chi phí đầu tư, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hình thành tài sản thế chấp có giá trị, không chỉ là tài sản đầu tư trên đất mà còn là giá trị gắn với quyền sử dụng đất. Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí quy định tại khoản 2 Điều 153 về tiền thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng báo cáo, làm rõ các vấn đề về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền; Về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất trong dự thảo Luật.