Mê Linh (Hà Nội): Vì sao phải “bưng bít”, né tránh cung cấp thông tin trước những sai phạm về đất đai?

Lê Trung Anh| 22/07/2021 08:31

BVCL - Công ty cổ phần Thuận Hưng tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng vượt hàng nghìn m2 so với diện tích được giao. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng PV Báo Công lý liên hệ làm việc thì UBND huyện Mê Linh lại đùn đẩy, né tránh cung cấp thông tin về vụ việc.

anh-1.jpg
UBND huyện Mê Linh (TP Hà Nội) đang bưng bít, né tránh cung cấp thông tin trước sai phạm của Công ty cổ phần Thuận Hưng.

Liên quan đến việc Công ty cổ phần Thuận Hưng (địa chỉ tại Lô 49K, Khu công nghiệp Quang Minh, Thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng vượt hàng nghìn m2, nằm ngoài diện tích trước khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra văn bản thu hồi và giao đất cho thuê đất xây dựng Nhà máy sản xuất Calcium Carbonate.

Với tinh thần cầu thị, PV Báo Công Lý đã đặt lịch và liên hệ với UBND huyện Mê Linh hơn 3 tháng nay. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, đơn vị này vẫn “bặt vô âm tín”, có dấu hiệu bao che, đùn đẩy, không phối hợp để cung cấp thông tin về vụ việc.

 Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm

Ngày 14/01/2014, UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn TP Hà Nội do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký.

Theo đó, giao UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra thường xuyên, định kỳ, kịp thời xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Đặc biệt là các trường hợp cho thuê đất công, đất nông nghiệp công ích, đất bãi bồi ven sông để sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp, các trường hợp tự chuyển mục đích sang xây dựng công trình nhà ở, sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp (bao gồm cả các trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuê nhưng các cá nhân đã thành lập doanh nghiệp hiện đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp), đảm bảo tất cả các trường hợp vi phạm phải được lập hồ sơ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật và được công khai.

Đồng thời, chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn và các phòng, ban chức năng tăng cường quản lý diện tích đất nông nghiệp, đất công ích hiện có, nhất là ở các vùng quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị; Giải quyết dứt điểm các khiếu nại, kiến nghị của công dân về giao đất nông nghiệp; Có biện pháp ngăn chặn kịp thời không để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công, đất nông nghiệp trái pháp luật, xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp; không hợp thức hóa và làm thủ tục công nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp vi phạm; không áp dụng hoặc đề nghị hỗ trợ thiệt hại ngoài chính sách quy định cho các trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất công khi Nhà nước thu hồi.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn; về các trường vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã trong các trường hợp tiếp tục để xảy ra vi phạm, không xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.

Yêu cầu Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi các vi phạm đó xảy ra; lập hồ sơ các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền, báo cáo UBND cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục, Chỉ thị nêu rõ.

Ngày 29/11/2019, Thành ủy Hà Nội ban hành Thông báo số 2354-TB/TU, truyền đạt kết luận của Thường trực Thành ủy về báo cáo thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội.

Theo đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý đất đai, trật tự xây dựng và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở đối với việc phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai.

anh-3.jpg
Công ty cổ phần Thuận Hưng tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng “vượt” hàng nghìn m2 nằm ngoài Quyết định số 1053/QĐ-UB ngày 01/04/2004 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thu hồi và giao đất.

Cấp dưới “phớt lờ” ý kiến chỉ đạo của cấp trên

Trước đó, Báo Công lý đã phản ánh về việc Công ty cổ phần Thuận Hưng tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng vượt hàng nghìn m2, nằm ngoài diện tích trước khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra văn bản thu hồi và giao đất cho thuê đất xây dựng Nhà máy sản xuất Calcium Carbonate.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 01/04/2004 UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra văn bản số 1053/QĐ-UB Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc: Thu hồi và giao đất cho Công ty cổ phần Thuận Hưng thuê đất xây dựng Nhà máy sản xuất Calcium Carbonate tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (hiện nay có địa chỉ tại Lô 49K, Khu công nghiệp Quang Minh, Thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, TP Hà Nội). Quyết định này do ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký.

Quyết định này nêu rõ: Điều 1. Phê duyệt thu hồi và giao đất gồm các nội dung như sau: Thu hồi 21.576 m2 đất bao gồm: Đất nông nghiệp có diện tích là 20.910,7 m2; Đất chuyên dùng có diện tích là 665,3 m2.

Tại Khu công nghiệp Quang Minh (giai đoạn 2) xã Quang Minh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc để giao cho Công ty cổ phần Thuận Hưng thuê đất xây dựng Nhà máy Calcium Carbonate. Trong đó, diện tích xây dựng cơ bản là 19.096 m2 và diện tích đất trồng cây xanh là 2.480 m2.

Vị trí, ranh giới khu đất thu hồi được xác định theo đường chỉ giới EFBC và đất giao cho thuê theo chỉ giới ABCD thể hiện trong trích lục bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500 do Trung tâm đo đạc và bản đồ xác lập tháng 11 năm 2003 có xác nhận của UBND xã Quang Minh, UBND huyện Mê Linh, Sở Tài nguyên và Môi trường được UBND tỉnh phê duyệt kèm theo quyết định này.

Cũng tại Điều 2 của Quyết định này ghi rõ: Giám đốc Công ty cổ phần Thuận Hưng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các chủ sử dụng đất có đất bị thu hồi theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp quy định của Nhà nước hiện hành; Sử dụng đất đúng mục đích, vị trí, ranh giới được giao và chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai.

Theo hồ sơ tài liệu PV thu thập, năm 2003, Công ty cổ phần Thuận Hưng tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng theo Tờ trình số 1188/TT-TC ngày 08/12/2003 của Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc về việc xin phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng, diện tích đền bù giải phóng mặt bằng là 23.712,2 m2.

Qua đó cho thấy, diện tích đền bù giải phóng mặt bằng thực tế của Công ty cổ phần Thuận Hưng “vượt” hơn so với diện tích được giao theo Quyết định số 1053/QĐ-UB ngày 01/04/2004 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc là 2.136,2 m2.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Thuận Hưng còn tiến hành xây dựng nhiều công trình nhà ăn, nhà tạm, khu nhà vệ sinh… Tất cả các công trình này được xây dựng từ năm 2008 trên phần đất do Công ty cổ phần Thuận Hưng đã đền bù giải phóng mặt bằng và nằm ngoài diện tích giao đất cho Công ty theo Quyết định số 1053/QĐ-UB ngày 01/04/2004 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Vị trí xây dựng các công trình này có nguồn gốc đất là đất nông nghiệp quỹ I giao cho các hộ gia đình.

Liên quan đến vụ việc, ngày 26/05/2021, văn phòng UBND huyện Mê Linh liên hệ đến PV thông báo cho biết, lãnh đạo UBND huyện đã giao cho Đội quản lý trật tự xây dựng chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị và Thị trấn Chi Đông kiểm tra và cung cấp thông tin.

Trao đổi với PV, ông Trần Thanh Hoài – Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết đã chỉ đạo giao cho Đội quản lý trật tự xây dựng và phòng Quản lý đô thị cung cấp thông tin về vụ việc.

Tuy nhiên, PV đã liên hệ rất nhiều lần đến ông Nguyễn Công Kiên – Đội phó Đội quản lý trật tự xây dựng và ông Đỗ Quốc Toản – Trưởng phòng Quản lý đô thị để trao đổi, sắp xếp làm việc nhưng không nhận được phản hồi từ hai vị “công bộc” này.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mê Linh (Hà Nội): Vì sao phải “bưng bít”, né tránh cung cấp thông tin trước những sai phạm về đất đai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO