Có thể thấy rằng tình trạng người chưa đủ tuổi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông ngày càng phổ biến. Hệ quả là không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra. Gây tai nạn giao thông là lỗi do người điều khiển phương tiện nhưng trách nhiệm của người giao phương tiện cũng cần phải nghiêm trị.
Vụ tai nạn giao thông sau đây là một trong số những trường hợp mà người gây tai nạn giao thông và cả người giao phương tiện đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nội dung vụ án thể hiện, chiều ngày 11/12/2022, sau khi đã uống rượu Y So. (SN 1996, trú Buôn B, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên) không có giấy phép lái xe mô tô theo quy định đến nhà Y Thang (SN 1977, là dượng của Y So.) hỏi mượn xe mô tô để đi mua thuốc bệnh cho mẹ uống. Y Thang biết rõ Y So không có giấy phép lái xe mô tô nhưng vẫn đồng ý giao xe mô tô BKS 78M1-188.xx, dung tích xi lanh 113,7 cm3 cho Y So.
Khoảng 18h cùng ngày, Y So điều khiển xe mô tô lưu hành trên tuyến đường bê tông liên thôn thuộc buôn B, xã E, huyện S (hướng Tây-Đông) lấn sang phần đường bên trái 94,5 cm gây tai nạn với xe mô tô BKS 78D1-146.xx do Y Khang điều khiển đang dừng ngược chiều.
Hậu quả, Y Khang chết, hai xe mô tô hư hỏng. Kết luận giám định tử thi, Y Khang chết do đa chấn thương vùng đầu, mặt, gây vỡ sọ, giập não. Kết quả đo nồng độ cồn đối với Y So, xác định nồng độ cồn trong khí thở là 0,979mg/l.
Tại phiên tòa, Y So và Y Thang đều thừa nhận hành vi phạm tội đúng như cáo trạng đã truy tố. HĐXX cho rằng, hành vi của Y So đã vi phạm vào khoản 1 Điều 9 Luật giao thông đường bộ, gây thiệt hại một người chết, phạm tội nghiêm trọng với lỗi vô ý, đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại điểm a điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS và bị cáo Y Thang phạm tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 264 Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Y So điều khiển xe mô tô khi trong hơi thở có nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe, không đi đúng phần đường, là nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Hành vi của Y So là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng của người khác, nên cần phải xử lý nghiêm, cần phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ tác dụng giáo dục riêng và phòng chống tội phạm nói chung.
Đối với bị cáo Y Thang, giao xe mô tô khi biết rõ Y So không có giấy phép lái xe, tức không biết lái xe mô tô mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, trong khi Y So đã uống rượu và Y So đã gây tai nạn làm chết 1 người. Hành vi của bị cáo Y Thang là nguy hiểm cho xã hội nên cần phải xử lý. Tuy nhiên, xét bị cáo Y Thang chỉ vì thương người. Tại phiên tòa, cũng như sau khi xảy ra tai nạn đại diện hợp pháp của người bị hại đều đề nghị xem xét không truy cứu trách nhiệm hình đối với bị cáo.
Bị cáo Y So và bị cáo Y Thang đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, đã tự nguyện cùng gia đình bồi thường toàn bộ thiệt hại theo yêu cầu. HĐXX TAND huyện Sông Hinh đã xử phạt bị cáo Y So mức án 3 năm tù; xử phạt bị cáo Y Thang 6 tháng cải tạo không giam giữ.
Để góp phần hạn chế tai nạn giao thông từ những nguyên nhân trên, cha, mẹ, người thân hãy quan tâm giáo dục con em về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, kiên quyết không giao phương tiện khi các em chưa đủ tuổi, đủ điều kiện để điều khiển. Đừng để sự chủ quan của người lớn và sự bốc đồng của tuổi trẻ gây hậu quả nghiêm trọng, để lại gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội và tệ hơn là đẩy bản thân các em vào vòng lao lý.
Tên nhân vật đã được thay đổi.