Lạng Sơn: Gói thầu “đội giá”, Sở Giáo dục và đào tạo nói gì?

Việt Bắc| 16/06/2022 14:34

“Do địa hình miền núi phía bắc hiểm trở, khó tiếp cận nên các gói thầu mua sắm thiết bị dạy học do Sở GD&ĐT Lạng Sơn làm chủ đầu tư có tỷ lệ chênh lệch ít, bên cạnh đó cũng bởi đường xá xa xôi, núi non hiểm trở rất khó vận chuyển khiến nhà thầu phải chi phí cao hơn thị trường”. Đó là lý giải của lãnh đạo đơn vị này khi PV tìm hiểu sự việc

Theo tìm hiểu, tháng 9/2021, tại gói thầu số 3 “Mua sắm tập trung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 năm học 2021-2022 cho các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”, trúng thầu với giá 30.368.386.000 đồng. Tháng 12/2021, tại gói thầu số 3 “Mua sắm thiết bị phòng tin học trang bị cho các trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” được phê duyệt trúng thầu với giá 21.532.228.000 đồng.

Trước đó, tại gói thầu 03 (tháng 12/2020) “Mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng khu nội trú cho các trường phổ thông vùng đặc biệt khó khăn có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”, được phê duyệt trúng thầu với giá là 13.504.279.000 đồng.

tru-so-lang-son.jpg
Hình ảnh trụ sở Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn

Để có cái nhìn rõ hơn về sự việc, PV Báo Công lý đã có buổi trao đổi với các chuyên gia, theo đó nguyên tắc đấu thầu phải được thực hiện đúng theo quy định hiện hành dựa trên cơ sở pháp lý là Luật Đấu thầu; Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng v.v…

“Mục tiêu của việc tổ chức đấu thầu là loại bỏ các tiêu cực, tham nhũng, đồng thời tiết giảm chi phí, tiết kiệm Ngân sách Nhà nước. Những sai phạm trong công tác mua sắm thiết bị của các đơn vị công lập, cơ quan Nhà nước cần được chấn chỉnh, công khai, minh bạch…”- Một vị chuyên gia nói.

Trở lại một số gói thầu do Sở GD-ĐT tỉnh Lạng Sơn tiến hành, PV đã làm việc với đơn vị này và nhận được một số thông tin. “Trong công tác đấu thầu chúng tôi đã thực hiện đúng theo quy định hiện hành dựa trên cơ sở pháp lý là Luật Đấu thầu năm 2013; Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm, dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả” – đại diện Sở GD-ĐT khẳng định.

Giải thích về kết quả phê duyệt các đơn vị trúng thầu với số tiền tiết kiệm cho ngân sách nhỏ, đại diện Sở GD&ĐT cho biết: Nói về tiết kiệm ngân sách thì phải so với dự toán ban đầu chứ so với Quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu thì chênh lệch không nhiều. Bởi quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu đã là sau thẩm định giá. Cơ quan thẩm định đã thẩm định giá sát sàn, như thế thì đơn vị trúng thầu mới thực hiện được, không thì họ không thể làm.

Lý giải về việc một số thiết bị trong gói thầu 03 “Mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng khu nội trú cho các trường phổ thông vùng đặc biệt khó khăn có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” dư luận cho rằng có tình trạng "đội giá" so với giá duyệt mua của các đơn vị công lập, đơn vị này cho biết việc cung cấp thiết bị cho các trường ở địa bàn Lạng Sơn mang tính đặc thù, rất khó khăn.

“Với địa hình phức tạp vùng núi, có những địa điểm phải đi bộ, đi xe cũng phải mất mấy ngày đường đất, di chuyển rất khó khăn, cho nên các đơn vị vận chuyển họ rất ngại tiếp cận để mang thiết bị đến. Còn cả khâu bảo hành, bảo trì nữa, các nhà thầu họ ngại vì mỗi khi có sự cố thì lại phải cho người đến bảo trì và sửa chữa, mỗi lần đi vài người cùng với thiết bị, đi mất cả chục ngày, cho nên họ phải nâng cao giá thiết bị một chút”, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT lý giải.

Mở rộng vấn đề, PV có cuộc trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh được biết công tác đấu thầu thời gian qua đã được các đơn vị trên địa bàn Tỉnh quan tâm chú trọng và được tiến hành công khai, minh bạch ở tất cả các khâu. Có hiện tượng một số gói thầu ở một số đơn vị tiến hành chưa tốt, dư luận nêu “có vấn đề” thì đều được lãnh đạo Tỉnh yêu cầu làm rõ và công khai trên công luận. Đối với Sở GD-ĐT cũng vậy chứ không có việc lãnh đạo Tỉnh không quan tâm, không có chỉ đạo rà soát và yêu cầu khắc phục tồn tại, nếu có.

“Với những khó khăn và sự đặc thù của vùng núi, ngành Giáo dục tỉnh nhà còn khá vất vả trên con đường “gieo chữ”, chúng tôi đã và đang chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn có những biện pháp hỗ trợ kịp thời hơn nữa, để các học sinh nơi vùng sâu có cơ hội tiếp cận với những phương pháp dạy và học tân tiến, các cháu được thụ hưởng những gì tốt đẹp nhất để tiếp thu kiến thức, vững vàng trên con đường gây dựng cuộc sống trong tương lai”, đại diện Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn chia sẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Gói thầu “đội giá”, Sở Giáo dục và đào tạo nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO