Làm lây lan dịch bệnh Covid-19 có thể bị xử lý hình sự lên đến 12 năm tù

Quách Chữ| 29/05/2021 17:12

BVCL - Người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly, quyết định phong tỏa nhưng không chấp hành thì bị coi là “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 12 năm.

khu-cach-ly-2.jpg
Mỗi người dân cần chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trong khi Đảng, Nhà nước xác định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia tích cực, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và toàn thể Nhân dân, thì việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm không chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước hay cá nhân, tổ chức nào mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Điều này cũng được quy định rõ trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Thế nhưng, không phải người dân nào cũng hiểu biết và quan tâm đến quy định này một cách nghiêm túc.

Từ trường hợp ca bệnh Covid-19 ở Hà Nam (bệnh nhân 2899) có tốc độ lây nhiễm nhanh ra cộng đồng, một vấn đề hết sức quan trọng cần đặt ra chính là thái độ, là trách nhiệm của công dân trước tình hình dịch bệnh như hiện nay. Nếu như bệnh nhân này tuân thủ nghiêm các khuyến cáo, yêu cầu của cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch, thì chắc chắn sẽ không có hàng loạt người bị lây nhiễm khiến dịch bệnh lại bùng phát trở lại.

Hay trường hợp ca bệnh nguyên là Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) (bệnh nhân Covid-19 3634) cũng có tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Nếu như bệnh nhân này tuân thủ việc chấp hành các quy định về kỷ luật lao động và phòng chống dịch thì sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng đối với cộng đồng và xã hội.

Đó chỉ là những ví dụ điển hình về sự thiếu hiểu biết trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức trách nhiệm, không chấp hành nghiêm những khuyến cáo của ngành Y tế. Cố tình vi phạm như khai gian trong hồ sơ khai báo y tế, trốn cách ly, hoặc nhờ người khác đi cách ly thay mình, hay có hành vi tụ tập đông người, không đeo khẩu trang... Tất cả những điều này đều cần phải được xử lý và ngăn chặn.

Đối với người có hành vi không khai báo y tế, khai báo y tế quanh co, che giấu lịch trình di chuyển làm ảnh hưởng đến quá trình truy vết có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định ở Điều 3 Khoản 7 Nghị định 117/2020.

lay-lan-dich.jpg
Các lực lượng chức lập biên bản xử lý trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Còn nếu hành vi trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng có thể bị truy tố hình sự theo quy định của Điều 240 Bộ Luật hình sự năm 2015. Theo hướng dẫn số số 45/TANDTC-PC Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi: trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác bị coi là trường hợp thực hiện "Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi: trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295.

Việc những đối tượng khai báo gian dối, giấu bệnh là “cực kỳ nguy hiểm” cho xã hội. Nếu làm lây bệnh vào những người có bệnh lý, nhiều tuổi, sức khỏe kém, trong những điều kiện dịch bệnh phát triển. Hành vi của họ là vô hình có thể dẫn đến hậu quả chết người. Vì vậy hướng dẫn số số 45/TANDTC-PC Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là rất cần trong quá trình thực thi pháp luật, tạo tính răn đe, giáo dục cho cộng đồng.

Với trách nhiệm và ý thức của mỗi cá nhân, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch bệnh đã và đang được kiểm soát rất tốt. Mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng chống dịch, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, kiên quyết không vì sự thờ ơ, vô trách nhiệm của một vài cá nhân mà làm tổn hại đến thành quả chống dịch của cả hệ thống chính trị.

Mỗi người dân cần chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế, nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K, có chế độ sinh hoạt lành mạnh giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, không nghe theo hoặc phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng, tác động tiêu cực tới xã hội...

Với những người đến từ vùng dịch, đi qua vùng dịch, tiếp xúc với người dương tính với SARS-CoV-2, tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 bắt buộc phải khai báo y tế và phải thực hiện biện pháp cách ly y tế theo quy định.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm lây lan dịch bệnh Covid-19 có thể bị xử lý hình sự lên đến 12 năm tù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO