Ký ức về trận Thành cổ Quảng trị của cựu chiến sĩ trinh sát

Mỹ Hạnh – Phương Chi| 25/04/2022 09:01

BVCL - “Nhiều cán bộ, chiến sĩ mình đầy thương tích nhưng vẫn quyết không rời trận địa, cứ người này ngã xuống người khác lại bước đến thay thế.” Cứ thế tạo thành thành trì kiên cố, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị được an toàn, để lại ngàn đau thương, mất mát và những ký ức không thể nào quên.

Tháng 6/1972, tham vọng và nỗ lực rất lớn của cả Mỹ lẫn quân đội Sài Gòn hòng tái chiếm lại Quảng Trị, một trong những nỗ lực cuối cùng để cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đang bị phá sản; địch điên cuồng tập trung vào đây một lực lượng quân đội khổng lồ. Mặt trận Quảng Trị, đặc biệt là thị xã, Thành cổ Quảng Trị trở thành mục tiêu trọng yếu nhất, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch trong 81 ngày đêm lịch sử.

Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ ác liệt và hy sinh, các chiến sĩ của ta đã chiến đấu kiên cường. Dù trên mình mang đầy thương tích nhưng những chiến sĩ, những anh hùng cách mạng vẫn chiến đấu ngoan cường, quyết không rời trận địa, quyết bảo vệ trận địa đến hơi thở cuối cùng. Báo Quân đội nhân dân ra ngày 9/8/1972 đã viết: “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành Cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”.

1(1).jpg
Đại tá Phạm Nguyên Nhu – chiến sĩ trinh sát trong trận đánh bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị.

Trong một chuyến công tác, chúng tôi tình cờ được gặp Đại tá Phạm Nguyên Nhu - một cựu chiến sĩ trinh sát, một nhân chứng sống bằng xương bằng thịt - được nghe chú kể về những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Năm 1972, khi đang là sinh viên đại học năm thứ hai thì nhận được lệnh tổng động viên, cậu sinh viên Phạm Nguyên Nhu khi ấy vừa tròn 20 tuổi, chẳng chút đắn đo suy nghĩ, đặt bút xuống cùng bạn bè lên đường bảo vệ tổ quốc. Thời điểm đó, trên quãng đường di chuyển từ trường đại học ở Thái Nguyên về tập trung tại huyện Thạch Thành, tỉnh Hà Bắc (cũ); mặc dù bị cảm rất nặng và được cho ở lại điều trị nhưng với lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu sục sôi, không cam lòng nhìn đồng bào gánh chịu mưa bom bão đạn; cậu sinh viên ấy đã quyết tâm xin tiếp tục lên đường để được tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, anh được điều chuyển về Đại đội Trinh sát C20 - E25- F325. Chuẩn bị đủ trong mình kỹ năng chiến đấu, cậu sinh viên lúc này đã trở thành chiến sĩ, cùng đồng đội lên đường hành quân vào “tuyến lửa”.

Khi đến địa điểm tập kết gần thị xã Quảng Trị, chiến sĩ Nhu cùng tổ trinh sát gồm 3 người được phân công vào Thành cổ trước để nắm bắt tình hình địch. Chú Nhu nhớ lại: “Khi mới vào Thành cổ, các công trình và nhà cửa ở đây vẫn còn nguyên vẹn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cả thị xã gần như bị san phẳng hết. Có những Đại đội hơn một trăm người nhưng thực tế chỉ còn 10 đến 15 người. Nhiều chiến sĩ khi bổ sung chưa kịp biết mặt chỉ huy và tên cán bộ đã hy sinh hoặc bị thương phải đưa về tuyến sau.”

Người ta gọi đây là cái cối xay thịt quả không hề sai. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150 - 170 lần máy bay phản lực, 70 - 90 lần chiếc B52 để ném bom huỷ diệt thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong chỉ chưa đầy 3 tháng trời, thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Báo chí phương Tây thời đó bình luận tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945. Với việc huy động một số lượng bom đạn khổng lồ, quân Mỹ hoàn toàn có ưu thế áp đảo về hỏa lực.

Dưới mưa bom, bão đạn khốc liệt của kẻ thù, các đơn vị bộ đội của ta đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, kiên cường bám trụ, chốt giữ; mưu trí, linh hoạt, phát hiện và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thậm chí tiêu diệt cả những bộ phận nhỏ, lẻ, bí mật lẻn vào bằng đường hầm hòng cắm cờ trên Thành Cổ.

Khi hỏi về cảm nhận sự khốc liệt khi tham gia trực tiếp trận chiến Đại tá Phạm Nguyên Nhu ngậm ngùi chia sẻ: “Chú tồn tại được 1 tháng là may mắn lắm rồi vì chú là lực lượng trinh sát nên cơ động thường xuyên để nắm tình hình địch. Các chiến sĩ bộ binh chiến đấu trực tiếp, giành với địch từng mét đất, từng góc nhà nên tỉ lệ thương vong ngày càng tăng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ mình đầy thương tích nhưng vẫn quyết không rời trận địa, cứ người này ngã xuống người khác lại bước đến thay thế.”

Chiến sĩ Phạm Nguyên Nhu sau một tháng kiên cường chiến đấu đã bị thương và bỏng nặng do pháo cháy. Chú chưa khi nào quên được cảm giác toàn thân mình bỏng rát, đau đớn như ngàn con ong độc châm đốt, những lớp da bong tróc, biến dạng đến nỗi bạn bè đến thăm không thể tìm thấy vì không nhận ra mình. Những người bị thương nằm la liệt, mà đâu phải cứ bị thương là được đưa đi ngay đâu. Có đau đến mấy, nặng đến mấy cũng phải chờ đến tối đồng đội mới chuyển qua sông Thạch Hãn về tuyến sau điều trị được do ban ngày địch dễ phát hiện không có cách nào di chuyển. Các y bác sĩ điều trị đã đành, những người bị thương còn có sự cưu mang, đùm bọc của những nhà dân xung quanh. Quân dân một nhà, những tình cảm và ân nghĩa của họ dành cho chiến sĩ ta cũng chính là nguồn sức mạnh để tiếp tục vững vàng tay súng nơi tuyến đầu.

Hồi tưởng lại những ngày đêm khói lửa, anh chiến sĩ năm nào giờ đã là một Đại tá về hưu trầm ngâm, gương mặt dày dạn khói sương có chút buồn man mác. Câu chuyện của Đại tá Phạm Nguyên Nhu chỉ là một trong những câu chuyện về trận chiến bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị cũng như những trường ca dài bất tận về sự chiến đấu, hy sinh giành độc lập của cả dân tộc. Để có được hòa bình như ngày hôm nay, biết bao chiến sĩ nằm xuống, biết bao thanh niên bỏ dở những ước mơ, biết bao gia đình “lấy lá cờ lau nước mắt”. Xương máu, linh hồn và tên các anh đã hóa thân thành hình hài đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức về trận Thành cổ Quảng trị của cựu chiến sĩ trinh sát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO