Kon Tum: Giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua việc tổ chức các cuộc thi

Văn Hà| 16/11/2022 11:16

BVCL - Thời gian vừa qua thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã tổ chức nhiều Lễ hội Cồng chiêng - Múa xoang, thi trình diễn trang phục DTTS… nhằm khuyến khích các nghệ nhân, học sinh tham gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Việc làm này cũng giúp cho tỉnh nhà thu hút nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Tại thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) nhiều năm trở lại đây thường xuyên diễn ra các chương trình, Lễ hội Cồng chiêng – Múa xoang, thi trình diễn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.... Việc làm này đã giúp cho các nghệ nhân, học sinh, người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc của đồng bào mình. Đồng thời thu hút được lượng lớn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia, trải nghiệm.

anh-1.jpg
Nhiều chương trình, Lễ hội văn hóa do thành phố Kon Tum tổ chức đã thu hút nhiều người dân, du khách đến xem trình diễn.

Mới đây nhất, tại nhà rông văn hóa thôn Kon Klor, Phường Thắng Lợi, Thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã diễn ra Lễ hội Liên hoan Cồng chiêng - Múa xoang, thi trình diễn trang phục DTTS do Phòng Giáo dục thành phố tổ chức. Đặc biệt, lễ hội này dành riêng cho học sinh với sự tham gia của 16 đội với tổng số 1076 học sinh. Trong đó có 304 học tham gia đội Cồng chiêng; 523 học sinh tham gia đội múa xoang; 249 học sinh tham gia trình diễn trang phục DTTS và hàng nghìn người đến xem biểu diễn.

Trao đổi với phóng viên, ông Thái Khắc Hòa – Trưởng phòng Giáo dục thành phố Kon Tum cho biết, thời gian qua được sự chỉ đạo, quan tâm của lãnh đạo UBND thành phố, ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện tốt việc giảng dạy cho học sinh học đánh cồng chiêng, múa xoang, trình diễn trang phục địa phương một cách thường xuyên liên tục. Đồng thời, các trường đã lồng ghép các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, dân ca, ngoại khóa phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường, của từng địa phương.

Theo ông Hòa, việc thường xuyên tổ chức các cuộc thi, Lễ hội cồng chiêng đã tạo ra sân chơi cho học sinh DTTS, thu hút các em đến trường, rèn các kỹ năng sống. Thu hút sự tham gia của cộng đồng, cha mẹ học sinh trong công tác giáo dục nhằm không ngừng nâng cao chất lượng học tập cho học sinh DTTS, góp phần nâng cao giáo dục toàn diện cho học sinh.

anh-2.jpg
Việc đưa văn hóa cồng chiêng, múa xoang vào giảng dạy tại trường học đã giúp bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

“Đây là không gian để các em học sinh thật sự đắm chìm trong âm thanh cồng chiêng trầm bổng từ ngàn đời cha ông đã lưu truyền để hôm nay con cháu được thừa hưởng. Qua đó, các em học sinh càng yêu quý, trân trọng hơn giá trị đó và luôn có ý thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, không để mai một”, ông Hòa nói.

Theo UBND thành phố Kon Tum, hiện nay toàn thành phố có có 135 đội nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang (trong đó 26 đội cồng chiêng Thanh thiếu niên). Hằng năm, thành phố đã tổ chức Hội thi Cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số 02 năm/lần; Liên hoan Cồng chiêng, xoang, trang phục dân tộc thiểu số dành cho học sinh 02 năm/lần.

Việc tổ chức các cuộc thi, Lễ hội là dịp để quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người và tiềm năng, thế mạnh du lịch của thành phố Kon Tum đến với bạn bè, du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Mở rộng cơ hội mời gọi và đón nhận đầu tư, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đồng thời liên kết phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch giữa các huyện, thành phố trong tỉnh và giữa các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và vị trí chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của tỉnh Kon Tum.

anh-3.jpg
Việc phát triển văn hóa cồng chiêng cũng góp phần vào việc phát triển du lịch của địa phương, thu hút du khách.

Trao đổi với PV Báo Công lý, ông Phan Ngọc Định – Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết, nhiều năm nay, Phòng Giáo dục thành phố đã làm tốt công tác giảng dạy, lồng ghép việc dạy cồng chiêng cho các em học sinh. Việc làm này đã và giúp các em ý thức được việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.

Theo ông Định, hiện nay không gian văn hóa cồng chiêng đã và đang được các xã, phường khai thác trong hoạt động du lịch của địa phương. Đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với biểu diễn cồng chiêng sẽ là cầu nối giúp các dân tộc hiểu biết lẫn nhau và xích lại gần nhau hơn. Từ đó gìn giữ, bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào bản địa, tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân bản địa làm du lịch.

“Trong thời gian tới UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các nghệ nhân trong toàn thành phố duy trì và phát triển văn hóa nghệ thuật cồng chiêng gắn với tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống tiêu biểu. Mở lớp truyền dạy đánh chiêng, sử dụng nhạc cụ dân tộc cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Lồng ghép công tác bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng vào các chương trình giáo dục chính khóa, ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, hoạt động Đội Thiếu niên tiền phong… Việc làm này nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn và phát huy không gian văn hóa của cha ông, lưu giữ, không để mai một”, ông Định nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua việc tổ chức các cuộc thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO