Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, kiều hối chuyển về TP.HCM 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 5,2 tỷ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ.
Tính riêng quý II/2024, kiều hối chuyển về đạt gần 2,31 tỷ USD, giảm 19,5% so với quý I/2024, nhưng vẫn tăng 4,2% so với quý II/2023. Trong đó, kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 56,1% và tăng 48,5% so với cùng kỳ.
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết, yếu tố nguồn nhân lực và thị trường lao động tiếp tục là các yếu tố tác động tích cực đến lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á trong 6 tháng đầu năm 2024.
Bên cạnh các yếu tố mang tính khách quan tác động đến lượng kiều hối chuyển về như: Yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội, lao động việc làm và thu nhập… thì việc sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối và các giải pháp thu hút kiều hối cũng có vai trò hết sức quan trọng.
Dòng kiều hối đổ về TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, nhất là khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) sắp có hiệu lực.
Hiện UBND TP.HCM cũng đã phê duyệt Đề án thu hút nguồn kiều hối 2025-2030, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân của giai đoạn này hơn 10% mỗi năm. Đề án này hướng đến tinh thần không can thiệp bằng biện pháp hành chính vào việc chuyển và nhận kiều hối, mà chủ yếu định hướng nguồn lực này vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
TP.HCM định hướng phát triển hình thức đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các quỹ sản xuất như quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa, quỹ đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài...