Diễn đàn pháp lý

Kiến nghị bổ sung thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính trong quân đội cho Toà án quân sự

Mạnh Cường - Thùy Linh (Tòa án quân sự Quân khu 7) 24/05/2023 - 09:53

Hiện nay, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND năm 2014 đang được TANDTC triển khai thực hiện. Theo dự thảo Luật Tổ chức TAND sẽ bổ sung thêm thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính cho các Tòa án quân sự. Việc bổ sung thẩm quyền này cho các Tòa án quân sự là hoàn toàn phù hợp từ những cơ sở lý luận và thực tiễn.

Cơ sở lý luận của việc bổ sung thẩm quyền giải quyết

Thứ nhất, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và các đơn vị Quân đội.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh các quân khu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Ban chỉ huy quân sự huyện có hai chức năng là: chỉ huy quân đội thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; quản lý nhà nước về công tác quốc phòng.

Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng, Bộ quốc phòng và các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng hoặc người có thẩm quyền trong quân đội ban hành các quyết định hành chính hoặc thực hiện các hành vi hành chính.

Thứ hai, các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong Quân đội thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án bao gồm:

Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước, bảo vệ biên giới.

mot-phien-toa-xx-cua-taqs-qk-7(2).jpg
Một phiên tòa xét xử của TAND quân sự Quân khu 7

Theo đó, Bộ đội biên phòng có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo Điều 40 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực bảo vệ vùng biển và thềm lục địa của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, Cảnh sát biển có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo Điều 41 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực thanh tra quốc phòng. Theo đó, Thanh tra có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo Điều 46 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực tư pháp quân sự.

Theo đó, Tòa án có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo Điều 48 Luật xử lý vi phạm hành chính. Và Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 49 Luật xử lý vi phạm hành chính

Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực tổ chức, quản lý tổ chức hành chính trong các doanh nghiệp quân đội.

Bởi lẽ, trong các doanh nghiêp Quân đội có nhiều công chức, viên chức và công nhân quốc phòng.

Ngoài quan hệ lao động, thì việc quản lý tổ chức hành chính của doanh nghiệp được thực hiện theo luật cán bộ, công chức và Luật viên chức. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức quốc phòng có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà, đất quốc phòng (ví dụ, quyết định thu hồi, giải toả đất quốc phòng bị lấn chiến, quyết định đền bù hoa màu; quyết định trưng thu, trưng dụng tài sản, đất phục vụ mục đích quốc phòng...)

Thứ ba, thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính của TAND theo quy định của Luật tố tụng hành chính và những bất cập khi các TAND giải quyết vụ án hành chính trong quân đội kể từ khi Luật khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Theo Điều 31 Luật Tố tụng hành chính, Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó; Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án đối với công chức thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.

Theo Điều 32 Luật Tố tụng hành chính, TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, TANDTC, VKSNDTC và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong các cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án; Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó; Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án đối với công chức thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.

taqs-qk-7-tap-huan-nghiep-vu(1).jpg
Tòa án quân sự Quân khu 7 tập huấn nghiệp vụ xét xử

Quy định thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính của Toà án như quy định tại Điều 31 và Điều 32 Luật tố tụng hành chính bộc lộ những bất cập sau:

Một là, việc phân định thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính của Toà án các cấp tại các điều luật trên chỉ phù hợp với hệ thống tổ chức các cơ quan nhà nước ngoài Quân đội, không phù hợp với hệ thống tổ chức các cơ quan, đơn vị quân đội.

Vì trong Quân đội, ngoài những cơ quan, đơn vị được tổ chức theo lãnh thổ hành chính như các bộ, ngành khác, Bộ Quốc phòng còn có các đơn vị được tổ chức không theo lãnh thổ hành chính như: Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, các quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh đoàn…

Trong khi đó, nội dung của Điều 31 và Điều 32 Luật tố tụng hành chính không xác định thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ đối với các khiếu kiện hành chính của các cơ quan, đơn vị quân đội không tổ chức theo lãnh thổ hành chính.

Do đó, việc thực thi quy định này trong thực tiễn sẽ phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, rất khó xác định thẩm quyền giải quyết của Toà án đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan, đơn vị quân đội.

Hai là, việc không giao cho Tòa án quân sự thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính sẽ làm phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tiễn do Tòa án quân sự không có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính nên hiện nay, các cá nhân, cơ quan, tổ chức (cả trong và ngoài Quân đội) muốn khởi kiện vụ án hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan, đơn vị quân đội hoặc của người có thẩm quyền trong các cơ quan, đơn vị đó thì chỉ có một lựa chọn duy nhất là khởi kiện ra Toà án nhân dân.

Để khắc phục những bất cập trên, cần sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND và Luật tố tụng hành chính theo hướng giao cho Tòa án quân sự giải quyết các vụ án hành chính trong Quân đội.

Kiến nghị bổ sung thẩm quyền giải quyết 

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, chúng tôi đề nghị cấp có thẩm quyền giao cho Toà án quân sự thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính trong Quân đội. 

Việc giao cho Tòa án quân sự thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính trong Quân đội là rất cần thiết, tại vì:

Thứ nhất, nhu cầu khách quan của việc giao cho Toà án quân sự thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính trong Quân đội.

Việc giao cho Tòa án quân sự thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính trong Quân đội là nhu cầu tất yếu, khách quan, vì: Nhu cầu bảo vệ kỷ luật, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, bảo đảm bí mật quân sự và bí mật công tác quân sự.

le-trao-ky-niem-chuong-vi-su-nghiep-ta-cua-taqs-qk7(1).jpg
TANDTC trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tòa án cho các cá nhân

Trong tổ chức và hoạt động của Quân đội, các yếu tố kỷ luật, bí mật quân sự đòi hỏi rất cao, quyết định đến sự thành bại khi làm nhiệm vụ.

Các quyết định hành chính của cơ quan, đơn vị quân đội tuy không thuộc bí mật nhà nước nhưng gián tiếp có liên quan đến bí mật quân sự hoặc bí mật công tác quân sự.

Để kịp thời tham mưu cho Bộ Quốc phòng trong lĩnh vực giải quyết khiếu kiện hành chính liên quan đến Quân đội, rất cần có một cơ quan thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền ra quyết định hành chính trong toàn quân, kết quả giải quyết các đơn thư khiếu kiện báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cơ quan này không ai khác mà chỉ có thể là Toà án quân sự.

Thứ hai, việc giao cho Toà án quân sự giải quyết các vụ án hành chính trong Quân đội không trái pháp luật mà bảo đảm tính hợp lý, khả thi và hiệu quả hơn so với Toà án nhân dân.

Về bản chất, theo quy định của pháp luật, Tòa án quân sự chính là Toà án nhân dân được tổ chức trong Quân đội để thực hiện chức năng xét xử. Khi xét xử, Tòa án quân sự nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam để tuyên án và phải tuân thủ các quy định của pháp luật (hình sự, dân sự, hành chính, tố tụng hình sự ...) như TAND.

Như vậy, Tòa án quân sự và TAND chỉ khác nhau ở chỗ Tòa án quân sự được tổ chức và hoạt động phù hợp với đặc thù của Quân đội, còn về mặt chuyên môn nghiệp vụ thực hiện như Toà án nhân dân.

Đây chính là cơ sở pháp lý và thực tiễn để giao cho Tòa án quân sự giải quyết các vụ án hành chính trong Quân đội là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị bổ sung thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính trong quân đội cho Toà án quân sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO