Kiên Giang: 9 tháng đầu năm 2022, GRDP đạt trên 52.473 tỷ đồng

Tâm Phúc| 05/10/2022 09:23

BVCL - Quý III/2022, kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang tiếp tục phục hồi và phát triển tốt, tăng trưởng quý III cao nhất trong 10 năm trở lại đây, góp phần cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao nhất trong 5 năm qua. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 52.473 tỷ đồng, đạt 78,4% kế hoạch, tăng 8,61% cùng kỳ, đạt mức cao thứ hai kể từ năm 2012.

kg-dat-muc-tang-truong-cao-nhat-trong-10-nam-qua.png
Quang cảnh cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ quý III năm 2022 (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang)

Ngày 3/10, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã chủ trì cuộc họp thường kỳ quý III năm 2022, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh về tình hình kinh tế- xã hội quý III và 9 tháng năm 2022. 

Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất đánh giá kinh tế phục hồi tốt trên các ngành, lĩnh vực thuộc 03 khu vực, trong đó cao nhất là khu vực du lịch-dịch vụ, tổng giá trị tăng thêm ước 17.751 tỷ đồng, đạt 81,5% kế hoạch, tăng 16,63% so với cùng kỳ.

Nhiều ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng bằng và cao hơn bình quân cả nước, như: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 21,55%; khách du lịch tăng 162,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 25,6%, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành cả nước; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 45% về số lượng, đứng đầu khu vực ĐBSCL.

Về du lịch, luỹ kế 9 tháng ước đón 6,11 triệu lượt khách, vượt 9,2% kế hoạch và tăng 162,9% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước hơn 126.000 lượt, đạt 63,1% kế hoạch. Tổng doanh thu ước 7.738 tỷ đồng, tăng 219% so cùng kỳ, đạt 99,9% kế hoạch.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được quan tâm tổ chức nhiều hơn, thu hút sự tham gia và nhiệt tình hưởng ứng của Nhân dân. Nhiệm vụ năm học mới được triển khai theo kế hoạch. An sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện khá tốt, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại được tăng cường.

bai-sao-phu-quoc.jpg
Du lịch biển là một trong những thế mạnh của tỉnh Kiên Giang

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành và các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trong quý III, kịp thời tháo gỡ khó khăn cũng như trong công tác quản lý.

Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế của tỉnh chưa toàn diện, một số chỉ tiêu sụt giảm hoặc đạt thấp so cùng kỳ như: Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản giảm 1,4%, nhất là khai thác giảm 6,9%; thu thuế bảo vệ môi trường mới đạt 48,4%, tiền thuê đất chỉ đạt 24,5%, tiền sử dụng đất đạt có 57,3%, thu xổ số kiến thiết giảm 10%; xuất khẩu hàng nông sản giảm 22%...

Giải ngân vốn đầu tư công quý III/2022 có chiều hướng chậm lại, kết quả giải ngân đến 15/9/2022 thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra chỉ đạt 18,92%.

Tính đến ngày 30/9/2022, vẫn còn 13 đơn vị giải ngân thấp, dưới 45% kế hoạch, đáng lưu ý là một số ngành được giao vốn nhiều như: Giáo dục và Đào tạo (31,2%), Giao thông vận tải (41,9%), Văn hóa và Thể thao (6,76%), Du lịch (36,31%), Tài nguyên và Môi trường (3,16%), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (33,24%); các huyện: Kiên Lương (41,1%), Phú Quốc (31,4%).

Tình trạng tàu cá của ngư dân sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép còn xảy ra, trong đó thành phố Rạch Giá là địa phương có số vụ vi phạm cao hơn các địa phương khác.

Cải cách hành chính chưa có sự chuyển biến rõ nét, nhất là giải quyết thủ tục hành chính quá hạn tăng so với cùng kỳ, công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính đạt thấp so với trung bình cả nước, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến còn thấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành cho rằng, trên đà tăng trưởng của quý III, với quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng cuối năm, tranh thủ thời cơ để “bức phá” mục tiêu đặt ra là tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt gần 7%.

 Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt và triển khai đầy đủ các Chương trình, Kế hoạch, Dự án, Phương án, nhiệm vụ... của từng ngành, từng địa phương, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu quý IV và cả năm được giao.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đối với những cơ quan, đơn vị, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân thấp.

UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra chậm trễ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn theo cam kết đã ký, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2022 đạt 100% kế hoạch.

Các sở, ngành, đặc biệt là các Ban quản lý khu kinh tế tăng cường các giải pháp, thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa; tăng cường thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp, tập trung huy động vốn toàn xã hội. Phấn đấu trong quý IV giá trị sản xuất công nghiệp phải đạt từ 9.500 tỷ đồng trở lên.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp trọng tâm khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; kiên quyết không để xảy ra tàu cá vi phạm IUU. Chuẩn bị nội dung đón tiếp, làm việc với Đoàn kiểm tra về công tác chống khai thác IUU của Ủy ban Châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: 9 tháng đầu năm 2022, GRDP đạt trên 52.473 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO