Nhóm cư dân sống trong vùng bệnh sốt rét lưu hành tại 1.030 xã trên địa bàn cả nước chủ yếu là người nghèo, dân tộc thiểu số sống ở các vùng rừng núi, vùng sâu vùng xa, biên giới…
Theo TS. Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, năm 2023, Việt Nam ghi nhận 448 ca mắc sốt rét.
Trong 18 tuần đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 141 trường hợp mắc sốt rét, tăng 107,4% so với cùng kỳ năm 2023. Số ca mắc sốt rét chủ yếu tập trung tại tỉnh Khánh Hòa (94/141 trường hợp), chiếm 66,7% số mắc toàn quốc, tiếp đó là tỉnh Nghệ An (8 trường hợp), Hà Tĩnh (7 trường hợp).
Có 6 tỉnh phát hiện từ 2 - 4 trường hợp, còn lại phát hiện 1 trường hợp. Trong các tỉnh có bệnh nhân sốt rét có tới 13/23 tỉnh đã được công nhận loại trừ sốt rét có bệnh nhân ngoại lai trở về.
Để loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới thì đến năm 2027, toàn quốc phải không còn trường hợp mắc ký sinh trùng sốt rét nội địa.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều tỉnh có tình hình sốt rét dai dẳng, phức tạp thậm chí thành điểm nóng khó can thiệp như Lai Châu, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông…
Toàn quốc hiện có khoảng 7 triệu người dân sống trong vùng bệnh sốt rét lưu hành tại 1.030 xã, chủ yếu là người nghèo, dân tộc thiểu số sống ở các vùng rừng núi, vùng sâu vùng xa, vùng Tây Nguyên, vùng biên giới.
Đặc biệt, ký sinh trùng sốt rét P. falciparum kháng artemisinin đặc biệt kháng thuốc sốt rét phối hợp có nguy cơ lan rộng cũng là một thách thức cho công tác phòng chống và loại trừ sốt rét.
Cũng theo TS. Hoàng Đình Cảnh, trong 10 năm qua, số trường hợp mắc và tử vong do sốt rét trên cả nước giảm dần qua các năm và đã giảm 35 lần (từ 15.752 ca xuống còn 448 ca/năm), đặc biệt giai đoạn 2014-2016 giảm mỗi năm 2 lần và giai đoạn 2019 -2021 giảm mỗi năm trên 3 lần.
Từ năm 2021 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1745/QĐ-BYT về Kế hoạch phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 1744/QĐ-BYT hướng dẫn giám sát và phòng chống các bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam; Quyết định số 5003/QĐ-BYT về kế hoạch phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, nhưng các hoạt động này được triển khai rất chậm, mới có 33 tỉnh/thành có Kế hoạch Phòng chống bệnh Ký sinh trùng giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, có 7 tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt, 10 tỉnh được Sở Y tế phê duyệt, còn lại do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phê duyệt.
Theo thống kê, đến hết năm 2023, mới chỉ 7% số huyện đã tiến hành hoạt động phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng.