Đời sống

Huyện Lục Ngạn: Phấn đấu phát triển bền vững, toàn diện

PV 18/02/2025 11:33

Với khát vọng phát triển của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), tình hình kinh tế - xã hội của địa phương đã đạt nhiều kết quả toàn diện, bền vững trên nhiều lĩnh vực.

tru-so-ubnd-huyen-luc-ngan.jpg
Trụ sở UBND huyện Lục Ngạn.

Năm 2024, trong bối cảnh gặp vô vàn khó khăn do tác động của nền kinh tế trong nước và quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3 (YAGI). Song với truyền thống đoàn kết, sức sáng tạo không ngừng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn đã vững vàng vượt qua và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất /1ha đất nông nghiệp đạt hơn 132 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,63%. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt hơn 5,5 nghìn tỷ đồng. Diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc, toàn huyện có 18/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xây dựng 3 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Lục Ngạn, vùng đất được thiên nhiên ban tặng với vùng tiểu khí hậu thuận lợi cho việc phát triển cây ăn quả. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với sự năng động, sáng tạo của người dân cùng chủ trương, định hướng của cấp ủy Đảng, chính quyền, Lục Ngạn đang trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước với nhiều đặc sản nổi tiếng như: Vải thiều, cam, bưởi... Với tổng diện tích gần 24 nghìn ha cây ăn quả, sản lượng đạt hơn 100 nghìn tấn, giá trị thu về hàng nghìn tỷ đồng đã mang lại cuộc sống ấm no cho người nông dân.

luc-ngan.jpg
Cây ăn quả là một sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao của huyện Lục Ngạn. Ảnh minh họa.

Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được chăm sóc theo quy trình VietGap, GlobalGap, hướng dần đến nền sản xuất hữu cơ đã đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ra các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản và các nước EU. Song song với công tác xúc tiến thương mại, việc chỉ đạo đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị khép kín luôn là nội dung được cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm. Việc thành lập, ra mắt các hợp tác xã, chi hội, tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đã từng bước tạo đầu ra ổn định, đang dần đưa thương hiệu sản phẩm cây ăn quả của Lục Ngạn bay xa.

Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, với hơn 92% gia đình đạt danh hiệu văn hoá, 95% thôn, tổ dân phố đạt thôn, tổ dân phố văn hóa. Hoạt động văn hoá, thể thao quần chúng tiếp tục phát triển rộng khắp ở các vùng, miền gắn với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá các dân tộc. Đặc biệt là từ Đề án thực hiện lộ trình tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị đã góp phần nâng tỷ lệ bao phủ thẻ BHYT toàn huyện lên 99,85%; hơn 8,3 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt hơn 101%.

Trong năm, huyện Lục Ngạn đã quan tâm đầu tư nhiều tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố trong toàn huyện đạt 93,9%, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và phát triển sự nghiệp trồng người. Nhờ đó, chất lượng giáo dục được nâng lên đáng kể, với 92/94 trường học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Chất lượng giáo dục tiếp tục tiến bộ, dẫn đầu trong nhóm các huyện miền núi về kết quả thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh.

Công tác quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh trật tự đạt kết quả tốt. Các chỉ tiêu về tuyển quân hoàn thành bảo đảm đúng kế hoạch. Tình hình an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, an ninh nông thôn được giữ vững, ổn định.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực; tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên đạt 97,83%, đạt cao nhất tỉnh; kết nạp 308 đảng viên mới, vượt kế hoạch. Đây là tiền đề quan trọng để củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện mục tiêu phát triển ổn định, bền vững.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm kết thúc nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, là năm tập trung tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, huyện Lục Ngạn yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục năng động, đổi mới sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Huyện đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ như: Chỉ đạo, tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp cơ sở và đại hội cấp huyện nhiệm kỳ 2025-2030; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ, thực hiện phương châm “3 dám”, “3 hơn”, “5 rõ” theo Chỉ thị số 26-CT/TU của BTV Tỉnh ủy Bắc Giang.

Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên các lĩnh vực.

Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Làm tốt công tác dân vận, giải quyết đơn thư, các điểm tranh chấp, khiếu kiện tạo đồng thuận xã hội, phấn đấu thực hiện hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XXV Đảng bộ huyện đề ra…

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 13,5%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa 86%; tiếp tục vận động hỗ trợ xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà ở xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Lục Ngạn: Phấn đấu phát triển bền vững, toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO