Ký ức hào hùng về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của toàn dân tộc vẫn in đậm trong tâm trí những người lính năm xưa.
Sống lại ngày Thống nhất 30/04/1975 qua ký ức của người lính Những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước đang náo nức kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chúng tôi có dịp được gặp và trò chuyện với những cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Ký ức hào hùng về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của toàn dân tộc vẫn in đậm trong tâm trí những người lính năm xưa.
Mỗi dịp tháng Tư, ngôi nhà nhỏ của gia đình CCB Trần Xuân Linh, xóm Tân Long, xã Long Xá- Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An, là nơi tụ họp của những người lính Trường Sơn năm xưa. Gặp nhau, họ bồi hồi xúc động nhớ lại những ngày tháng làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.
Với CCB Trần Xuân Linh, mỗi khi nhắc đến những ngày tháng lịch sử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đôi mắt ông lại rưng rưng, nhớ đến những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường, đồng thời xen lẫn niềm tự hào khi được góp một phần nhỏ bé của mình làm nên chiến thắng 30/4 lịch sử.
CCB Trần Xuân Linh, sinh ra và lớn lên ở xã Hưng Xá, nay xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên. Năm 1972, khi vừa tròn 23 tuổi, chàng trai trẻ Trần Xuân Linh lên đường nhập ngũ tại Quân Khu Việt Bắc, tiểu đoàn 95, trung đoàn 246. Tháng 2/1975, từ Thái Nguyên CCB Trần Xuân Linh, cùng các tiểu đoàn đơn vị ông hành quân vào Nam.
Chặng đường hành quân từ Bắc vào Nam gặp nhiều gian nan, vất vả do trời mưa đường trơn trượt lại luôn phải đối mặt với bom, mìn nên người và xe đều phải ngụy trang. Đó là thời kỳ “mưa dầm, cơm vắt” mà đến bây giờ CCB Trần Xuân Linh vẫn không thể nào quên.
Mỗi khi hồi tưởng lại những ngày ấy, trong ký ức của CCB Trần Xuân Linh lại hiện về với bao cảm xúc, tuy rằng cuộc chiến đấu gian truân, vất vả nhưng là niềm vinh dự, tự hào lớn cho bản thân tôi và những đồng đội.
Đến tháng 3/1975, CCB Trần Xuân Linh được điều động bổ sung vào Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, làm nhiệm vụ quân y, rồi cùng với đồng đội hành quân về Buôn Mê Thuột tham gia gia chiến dịch Tây Nguyên. Chiến đấu tại Đèo Phượng Hoàng, CCB Trần Xuân Linh cho biết, do địch bố trí các trận địa dày đặc trên Đèo Phượng Hoàng, nên đơn vị chúng tôi phải nhận lệnh vượt qua các dãy núi cao bí mật cơ động về phía Ninh Hòa để đánh vu hồi. Đến ngày 1/4//1975, quân ta làm chủ hoàn toàn đèo Phượng Hoàng- nơi được xem lá chắn thép” của địch trong chiến dịch Tây Nguyên 1975.
Sau đó Sư đoàn 10, quân đoàn 3 đơn vị của ông tiến thẳng vào Sài Gòn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với nhiệm vụ đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu Ngụy Sài Gòn. Đây là 2 trong 05 mục tiêu trọng yếu của chiến dịch Hồ Chí Minh Lịch sử, gồm: Dinh độc lập; Bộ Tổng tham mưu Ngụy Sài Gòn; Sân bay Tân Sơn Nhất; Biệt Khu Thủ đô và Tổng Nha cảnh sát.
Đúng 4h 30 phút ngày 28/4, các cụm pháo của quân đoàn và Sư đoàn 10 nhận được lệnh bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu Ngụy. Đến 11h 30 phút, ngày 30-4-1975 cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Đó chính là thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng.
Kể đến đây, giọng ông như nghẹn lại khi nhớ lại giây phút chứng chứng kiến đồng đội của mình hy sinh trước giờ giải phóng, CCB, Trần Xuân Linh bùi ngùi chia sẻ: Chỉ còn vài giờ nữa, sẽ chứng kiến đất nước giải phóng nhưng đồng chí Phiên người Yên Bái hy sinh, mong muốn cuối cùng xong một ngày giải phóng xong trở vê quê hương, nhưng đồng chí Phiên ở Yên Bái đã không làm đươc, do vết thương nặng và chảy máu quá nhiều.
Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ năm 1977 đến 1979 CCB Trần Xuân Linh còn tham gia chiến tranh Biên giới Tây Nam và chiến tranh Biên giới Việt -Trung năm 1979.
Năm 1993, rời quân ngũ trở về địa phương CCB Trần Xuân Linh luôn phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, sống gương mẫu đoàn kết, tích cực tham gia công tác địa phương và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với nhiều đóng góp của mình trong thời chiến cũng như thời bình, CCB Trần Xuân Linh đã được tặng nhiều Huân, Huy chương và Bằng khen, Giấy khen của các cấp các ngành. CCB Trần Xuân Linh, cho biết thêm: Về địa phương tham gia nhiều hoạt động xã hội của địa phương như làm chủ tịch Hội CCB, làm tuyên truyền viên… nhiệm vụ nào cũng để lại nhiều kỷ niệm trong cuộc đời tôi…..
Đã 49 năm đã trôi qua song những kỷ niệm về một thời chiến đấu oanh liệt vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh lịch sử.
Quá khứ về một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” sẽ giúp thế hệ trẻ ngày nay thêm trân trọng, tự hào về truyền thống hào hùng, sự hi sinh của thế hệ cha anh để được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, từ đó có những việc làm, hành động cụ thể để viết tiếp bản hùng ca hào hùng của dân tộc.