Bị tai nạn phải cắt bỏ 2 bàn tay từ năm mới 17 tuổi, em Phạm Văn Hùng, quê ở huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, không nghĩ sẽ có ngày lại được các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hồi sinh.
Bị tai nạn phải cắt bỏ 2 bàn tay từ năm mới 17 tuổi, em Phạm Văn Hùng, quê ở huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, không nghĩ sẽ có ngày lại được các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hồi sinh. Đối với Hùng, nó như một “phép màu” mà trong mơ em cũng không dám nghĩ tới.
Nhớ lại sự cố hy hữu cách đây 5 năm, Phạm Văn Hùng vẫn còn những cảm giác đau đớn khiến hai cánh tay mình phải cắt bỏ. Hùng kể, năm 2019, trong khi đang nấu ăn bằng bếp ga, em bị tai nạn do bình ga phát nổ, khiến toàn bộ cả hai cánh tay bị dập nát hoàn toàn mức 1/3 chi trên, phải cắt bỏ.
Mặc dù giữ được tính mạng, nhưng Hùng buộc phải chấp nhận một cuộc sống với vô vàn khó khăn và bất tiện khi trở thành người tàn tật bởi hai cánh tay đã không còn. Không chỉ bị phụ thuộc vào người thân trong những sinh hoạt hàng ngày, mà ngay cả giấc mơ được tiếp tục ngồi trên ghế nhà trường và học nghề sửa chữa máy móc, Hùng đành phải gác lại. Cuộc sống thật nặng nề đối với chàng trai trẻ và toàn bộ gia đình anh.
Kể từ đó, lúc nào chàng trai trẻ Phạm Văn Hùng cũng ao ước có đôi bàn tay lành lặn để tự phục vụ cho bản thân và có được một cuộc sống bình thường giống như bao người khác, đặc biệt là có cơ hội được học nghề và làm nghề, để có thể cùng mẹ gánh vác việc gia đình.
Vì vậy, khi được biết Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (TWQĐ 108) có khả năng thực hiện thành công những ca ghép chi thể từ người cho chết não, Hùng và gia đình đã đăng ký vào danh sách các bệnh nhân chờ ghép của bệnh viện, với hy vọng mong manh rằng sẽ đến một ngày nào đó, biết đâu “phép màu” sẽ đến với mình.
Trải qua đằng đẵng 5 năm trời chờ đợi, khi tưởng chừng sẽ mất đôi tay vĩnh viễn, suốt đời phải sống phụ thuộc người thân, thì tin vui bất ngờ ập tới với Hùng và gia đình.
Đó là một ngày cuối năm âm lịch 2023, khi người người, nhà nhà đang nô nức, bận rộn để sắm sửa cho những ngày Tết Giáp Thìn 2024, gia đình Hùng nhận được thông báo từ các bác sỹ Bệnh viện TWQĐ 108 mời đến để thăm khám, làm các xét nghiệm kiểm tra và tiến hành ghép phục hồi đồng thời cả 2 cánh tay từ gia đình của một bệnh nhân chết não.
Sau các công đoạn đánh giá chức năng, xét nghiệm chuẩn xác, để đảm bảo thành công, đúng chiều 30 Tết, Hùng may mắn được các giáo sư, bác sỹ của bệnh viện TWQĐ 108 tiến hành phẫu thuật, ghép hai cánh tay. Đây là một trong những tạng ghép đã được thực hiện trong bối cảnh của ca ghép đa tạng, lấy từ người hiến chết não được thực hiện thành công tại bệnh viện TWQĐ 108 vào ngày 30 Tết năm Giáp Thìn 2024.
Là người chủ trì và trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật ghép đồng thời hai cánh tay cho bệnh nhân Hùng, GS.TSKH.TTND Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, so với các ca ghép chi thể khác, ca ghép này có nhiều điều đặc biệt.
Thứ nhất, đây là ca ghép được tiến hành trong bối cảnh chung của ca mổ lấy - ghép đa tạng thực hiện vào chiều 30 Tết tại Bệnh viện, nên công tác hội chẩn bệnh viện và liên viện được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, khẩn trương. Các xét nghiệm liên quan đến hòa hợp miễn dịch được thực hiện rất đầy đủ và chu đáo. Bên cạnh các kíp ghép tim, gan, thận, tụy-thận và giác mạc, ca ghép 2 cánh tay được tiến hành đồng thời bởi hai kíp mổ.
Thứ hai, do cơ chế chấn thương rất mạnh nên xương quay phải của bệnh nhân hiến tạng đã gãy và bị di lệch lớn, gây ra biến dạng cẳng tay. Vì đây là tay thuận đối với bệnh nhân nhận chi ghép nên các bác sĩ phải tiến hành mổ kết xương ổ gãy xương quay trước khi thực hiện ghép đồng thời cả 2 cánh tay.
Điểm đặc biệt thứ 3 là do ghép đồng thời cả 2 cánh tay ngang mức 1/3 trên, nên khối lượng mô và tổ chức được ghép vào cơ thể bệnh nhân tiếp nhận là rất lớn, lên tới hàng chục kg, bao gồm rất nhiều các cấu trúc tiềm ẩn độ thải ghép rất cao như: da, cơ, xương, khớp, tủy xương, bao hoạt dịch… Đặt ra những thách thức đặc biệt khó khăn đối với toàn bộ kíp ghép chi thể, không chỉ trong việc thực hiện phẫu thuật mà còn cả trong công tác theo dõi, điều trị và chăm sóc sau mổ.
Theo GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng, đây là mốc thời gian phẫu thuật khá nhanh khi so sánh với ca ghép tương tự mà ông đã cùng các đồng nghiệp ở Đức thực hiện vào năm 2008 tại bệnh viện ngoại khoa Recht der Isar, CHLB Đức (14 tiếng), và theo thông báo từ những ca mổ khác được thực hiện ở Mỹ và ở Pháp (kéo dài từ 14-18 tiếng). Diễn biến sau mổ của ca ghép rất thuận lợi và không có bất kỳ tai biến hoặc biến chứng gì xảy ra.
Cho đến nay, sau 3 tháng được ghép, cả 2 chi đều sống tốt và tất cả các vết thương đều liền sẹo kỳ đầu. Cả hai cánh tay đều có mầu sắc, độ dài và kích thước giống như của chính chi thể bệnh nhân. Hùng đã có thể tự gập duỗi được khuỷu tay, các ngón tay bắt đầu có thể tự nhúc nhích, rồi đưa 2 bàn tay lên xoa đầu và sử dụng 2 cánh tay ghép vào một vài các hoạt động hàng ngày. Đây thực sự là một điều kỳ diệu vượt ngoài những hiểu biết thông thường. Hiện tại, Hùng đang tiếp tục được tập phục hồi chức năng để nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.
Chị Vũ Thị Nhung (sinh năm 1983), mẹ của bệnh nhân Hùng nghẹn ngào: “Hai cánh tay của con tôi đang hồi sinh từng ngày. Điều đó thật kỳ diệu. Tương lai, triển vọng của con tôi tưởng như đã chấm dứt, thì giờ đây lại đang rộng mở và đầy hứa hẹn ở phía trước.
“Cả gia đình tôi không biết nói gì hơn là xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của người hiến tạng và nghĩa cử nhân văn cao đẹp của gia đình, đồng thời, xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, chân thành nhất tới tập thể y bác sĩ của bệnh viện TWQĐ 108 – những người lính mặc áo trắng tài đức vẹn toàn, hết lòng hết sức vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của nhân dân”– chị Nhung xúc động nói.
Với ánh mắt hạnh phúc, bệnh nhân Hùng chia sẻ: “Em mong muốn hai cánh tay này của mình sẽ sớm phục hồi, để có thể tự chủ trong mọi việc và đỡ đần, gánh vác công việc cùng gia đình, bố mẹ, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội, xứng đáng với “cuộc hồi sinh” mà gia đình người hiến tạng cũng như các bác sỹ đã dành tặng cho em”.
GS.TSKH.TTND Nguyễn Thế Hoàng khẳng định, thành công của ca ghép đồng thời hai cánh tay này cũng như của ghép tạng tại bệnh viện TWQĐ 108 đã ghi danh Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới. Những thành công này thực sự rất đáng trân trọng, góp phần khẳng định sự phát triển mạnh mẽ, khẳng định tầm vóc của nền y học Việt Nam nói chung và của bệnh viện TWQĐ 108 nói riêng đối với nền y học tiên tiến trên thế giới.
“Ghép chi thể là phẫu thuật phục hồi ở mức độ cao nhất trong điều trị cụt chi thể và là chỉ định tuyệt đối khi cụt đồng thời cả 2 cánh tay, cả 2 cẳng tay hoặc cả 2 bàn tay. Bên cạnh ý nghĩa về phục hồi chức năng, thẩm mỹ và tính nhân văn, ca ghép này đồng thời mở ra một triển vọng to lớn để điều trị một cách hiệu quả nhất cho những thương, bệnh binh, những người có công với cách mạng từng để lại một phần cơ thể ở chiến trường xưa… cho những người bị tàn tật do tai nạn trong lao động, chiến đấu, và cho cả những người bị dị tật bẩm sinh, để họ có thể trở lại với cuộc sống bình thường và cống hiến cho xã hội giống như bao người khác.” - Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng khẳng định.
Thực hiện: Mai Thảo - Chu Lương - Thanh Trà